1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Tết này vắng cam Canh, bưởi Diễn

Không còn đất để trồng hai loại cây được coi là đặc sản tiến Vua, thêm trận mưa ngập vừa qua đã làm diện tích trồng cam, bưởi của xã Xuân Phương và Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) gần như mất trắng. Mâm ngũ quả tết Kỷ Sửu sẽ vắng bóng hai loại quả ngon, quý này.

Tết này vắng cam Canh, bưởi Diễn - 1
Vài cây bưởi Diễn may mắn sống sót chờ khách mua.


Dẫn chúng tôi đi thăm các vườn cam nhỏ bé nằm ép mình giữa những khu đô thị, ông Trần Ngọc Uyển, Chủ tịch Hội làm vườn xã Xuân Phương (Từ Liêm) cho biết, Tổng Canh xưa gồm có 7 làng Canh nổi danh bởi có giống cam đường ngon nổi tiếng một vùng đất Bắc. Cây cam từ nhiều thế kỷ trước đã là niềm tự hào của người dân địa phương. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, cam đường Canh và bưởi Diễn bước vào thời kỳ “hoàng kim”. Do nhu cầu thưởng thức hai loại quả này ngày một tăng.

Song, vài năm trở lại đây, tốc độ đô thị hoá quá nhanh, cứ ngày một lấn dần vào mảnh đất trồng cây ăn quả ven đô này. Nông dân đã hết đất trồng cam, bưởi. Cả xã Xuân Phương thời điểm ấy có gần 70ha trồng cam đường. Nhiều hộ dân giàu lên nhờ cây cam. Nhưng từ năm 2000 đến nay, diện tích công nghiệp và đô thị ngày càng lấn vào diện tích trồng cam.

Cũng giống như đào Nhật Tân, cam đường Canh bị thu hẹp diện tích với tốc độ nhanh không kém tốc độ xây dựng các khu đô thị. Diện tích trồng cam, bưởi đến nay chỉ còn khoảng 20ha. Thêm trận lụt vừa qua, nước sông Nhuệ tràn ngược cống Cầu Ngà đã làm ngập toàn bộ vùng cây cam đường canh của xã Xuân Phương khiến 80% số cây đang cho quả bị thối gốc, chết héo.

Theo chân ông Uyển ra cánh đồng trồng cam của làng tại thôn Ngọc Mạch, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy cánh đồng lọt thỏm với vòng vây của nhà cửa, công trình, nhà máy… Cánh đồng này trước đây vốn là đất ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả nên từ năm 1997, nông dân trong xã xin chuyển đổi trồng cam, bưởi cho thu nhập khá ổn định. Nhưng vì là ruộng trũng nên khi bị trận vừa qua, cả vườn cam chết rũ, cây thành củi, quả thành phân bón.

Cả làng Ngọc Mạch năm nay nhiều nhà bị mất Tết vì cả năm chỉ trông chờ vào ruộng cam. Ông Uyển xót xa: “Bằng giờ năm ngoái, khách mua bán tấp nập ra vào cánh đồng. Người ta mua cả cây để trưng bày Tết. Đến 25, 26 tháng Chạp, hầu như muốn mua cây cam đẹp cũng không còn. Thế mà bây giờ…”

Với những người nông dân trồng cam Canh, thiệt hại năm nay không hề nhỏ. Có những hộ mất vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ vì cam chết ngập như hộ anh Nguyễn Duy Cường có trên 500 cây cam Canh, trong đó không ít gốc trị giá từ 10 - 15 triệu đồng.

Hộ bà Nguyễn Thị Mậu, có 6 sào bưởi Diễn (tương đương 1.960m2) 10 năm tuổi dự định cho khoảng 3.000 quả đã bị rụng hết, 90% số cây cũng bị chết. Bà Mậu tiếc nuối, năm 2007, khi Nhà nước định giá đền bù 1 cây bưởi 2,5 triệu đồng (quy định 1 sào 18 cây) nhưng dân vẫn tiếc, không muốn lấy tiền, bởi bình quân mỗi cây cho từ 80 - 100 quả, thu hoạch bán được khoảng 2 triệu rồi và vẫn giữ được nguyên vẹn cây để chờ lứa thu hoạch năm sau.

Tết này vắng cam Canh, bưởi Diễn - 2

Vườn cam chết khô vì mưa ngập.
 
Theo quy hoạch của thành phố, đến năm 2010, xã Xuân Phương sẽ không còn diện tích đất nông nghiệp. Thiết tha với giống cam đường, người dân nơi đây đã kiến nghị xin được giữ lại một vùng đất để duy trì giống cây đặc sản và đã được TP quy hoạch 10ha để trồng cam, bưởi.

Cùng chung “số phận” với cam đường Canh là bưởi Diễn xã Phú Diễn. Theo ông Đinh Xuân Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX Phú Diễn, xã này vẫn duy trì được 75ha cây ăn quả, trong đó 55ha cam, bưởi đặc sản trồng tập trung ở thôn Đức Diễn. Tuy trận mưa lịch sử vừa qua chỉ làm 50% diện tích cây chết, quả rụng nhưng những cây còn sống cũng bị giảm 2/3 năng suất.

Cũng như người nông dân xã Xuân Phương, hàng loạt hộ như gia đình ở Phú Diễn như nhà ông Cương trồng 100 gốc bưởi bị rụng hơn 1.000 quả, thiệt hại hàng chục triệu đồng, vườn bưởi nhà ông Ky cũng bị rụng trên 1.000 quả…

Bà Vũ Thị Thược tâm sự: “Đợt mưa lớn vừa rồi nhà tôi phải huy động 3 máy bơm tiêu mới cứu được vườn, chỉ một vài cây chết. Nhưng quả thì rụng gần hết rồi, toàn bưởi sắp cho thu hoạch, bán thì chưa được, phải thồ từng xe đổ đi. Hiện cả vườn chỉ còn vài trăm quả, khách đến đặt mua 30.000đ/quả cho dịp Tết nhưng tôi không bán, vì để biếu còn không đủ. Năm nay tại vườn, loại bưởi mã xấu nhất cũng lên đến 25.000đ/quả”.

Nước ngập rút đã lâu nhưng từng đống quả bưởi rụng vẫn được chất đống nơi góc vườn, nằm chỏng chơ xung quanh gốc tại vườn các gia đình. Dường như, nỗi buồn thất thu khiến người dân không còn muốn dọn dẹp, thu gom quả thối, cây khô nữa.

Ra khỏi Phú Diễn, nhìn lại, chỉ thấy lác đác vài cây bưởi còn cho quả chín vàng chờ tay người hái. Sắc vàng lẻ loi ấy không thể xóa được khung cảnh u ám của những ruộng cam, vườn bưởi chết khô đứng trân mình giữa trời giá rét.

 
Theo Chi Linh
Công an nhân dân