1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Tan nát thượng nguồn Sông Lam

(Dân trí) - Sông Lam nước cạn trơ đáy, người dân đổ xô đi đào vàng. Cùng vời nhiều tàu đào đãi của các công ty ngày đêm cày xới, bới móc lòng sông, thượng nguồn sông Lam trở nên tan nát.

Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 1

Người dân tự ý đào đãi vàng 


Dòng sông Lam thơ mộng ngày nào giờ đây như một “bãi chiến trường” với đủ kiểu từ đào đãi thủ công đến máy móc gầm rú khoét lòng sông ngày đêm. Sông bị đào bới ngổn ngang, có điểm sâu đến 3-4 m gây ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng, hai bên bờ sông nham nhở... Đó là thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở khu vực thượng nguồn sông Lam, đoạn chảy qua các huyện Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An).


Ngược dòng sông Lam theo tuyến Quốc lộ 7 qua các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn, chúng tôi bắt gặp hàng trăm điểm khai thác vàng sa khoáng đang hoạt động ngày đêm. Lòng sông bị đào bới một cách không thương tiếc, bên cạnh những cỗ máy khai thác cỡ lớn, hàng chục máy bơm lớn nhỏ và máy đãi vàng tự chế của dân “vàng tặc” thi nhau hoạt động.

 
Ở địa bàn xã Châu Khê (huyện Con Cuông), nơi chúng tôi bắt gặp điểm khai thác vàng đầu tiên, địa điểm người dân chọn để khai thác vàng chủ yếu là mép sông. Từ khu vực xã Xá Lượng, xã Thạch Giám đến khu vực thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), cảnh tượng còn “hãi hùng” hơn với những đoạn bờ sông bị lở, có những đoạn bị đào bới thành hầm, như thời chiến tranh...


Ngược dòng sông đến địa phận của huyện Kỳ Sơn, trên dòng Nậm Mộ (một nhánh đổ ra sông Lam), dòng sông ở đây cũng đang bị “vàng tặc” chặn lại khiến dòng chảy bị lệch hướng.
 
Một người đàn ông đang đãi vàng cho biết ở đây toàn bộ là do doanh nghiệp H.L khai thác, người dân chỉ khai thác kiểu “ăn theo”, thấy doanh nghiệp khai thác được thì cũng tận dụng nước sông cạn mà khai thác theo.
Người dân rủ nhau lập nhóm khoảng 14 - 15 người, mua máy bơm nước, máy sàng và tiến hành khai thác vàng. Một ngày làm việc của họ thường bắt đầu từ tờ mờ sáng cho tới tận đêm khuya. Mỗi ngày làm việc may mắn, mỗi người cũng kiếm được 100 đến 150 ngàn đồng.
 
Anh Lương Văn Khánh, một “phu vàng” khác ở huyện Kỳ Sơn cho hay: “Lúc đầu, số người khai thác vàng rất ít, nhưng giờ thì đông quá rồi, bởi sông cạn nhiều người đua nhau đi tìm vận may anh ạ...”. 
Dọc theo khu vực cầu Cửa Rào lên cầu Bản Vẽ (thuộc khu vực công trình thủy điện Bản Vẽ) cũng hiện lên chi chít những cồn đá sỏi đang chất cao lên từng ngày. Sông Lam tan nát, và một thực tế khác là lòng sông, bờ sông bị đào bới làm cho không ít diện tích đất canh tác của những hộ dân sống dọc bờ sông Lam bị sạt lở. Và những hố sâu do quá trình đào vàng tạo ra sẽ trở thành những cái bẫy vô hình rình rập thuyền bè khi mùa mưa tới...

Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 2

Bờ sông Lam bị cày xới chưa từng có


Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Thọ - Trưởng Phòng Tài nguyên môi trường huyện Kỳ Sơn - cho biết: “Việc người dân tự phát đi đào vàng như phản ánh là có. Trên dòng Nậm Mộ thời gian trước (khoảng tháng 2, 3/2010) có gần 50 với hàng trăm người. Tình trạng khai thác vàng bữa bãi xảy ra thời gian trước ở huyện chúng tôi cũng nóng lắm. Thấy tình hình phức tạp chúng tôi đã đi vận động, tuyên truyền, kiểm tra thực tế và tiến hành cưỡng chế. Đến nay hầu hết các tổ trên đều không còn hoạt động nữa. Còn việc một số công ty đặt máy khai thác là do tỉnh Nghệ An cấp giấy phép hoạt động, nên chúng tôi không thể xử lý....”.

Một số hình ảnh dòng sông Lam tan nát vì vàng:

 

Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 3
Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 4
Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 5

Khoét sâu vào bờ sông Lam. 
Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 6

Người dân khai thác vàng riêng lẻ
 
Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 7
Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 8
Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 9

Đục khoét đôi bờ sông Lam nham nhở như những hố bom thời chiến tranh.
Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 10
Tan nát thượng nguồn Sông Lam  - 11
Với việc khai thác vàng sa khoáng bừa bãi trên dòng sông Lam, hàng trăm ha đất sản xuất đang mất dần.

Nguyễn Duy