1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Sử dụng công trình chưa nghiệm thu PCCC bị xử phạt như thế nào?

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa nghiệm thu về PCCC là vi phạm pháp luật.

Ngày 19/5, Cổng thông tin điện tử quận Long Biên, TP Hà Nội đăng văn bản công khai các công trình đưa vào hoạt động chưa được nghiệm thu về PCCC trên địa bàn.

Theo văn bản số 760 của Công an quận Long Biên gửi UBND quận Long Biên thì công an quận này đề nghị UBND quận chỉ đạo bộ phận, đơn vị liên quan đăng công khai 100% tên, địa chỉ, chủ đầu tư công trình vi phạm chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để người dân biết, cùng giám sát chủ đầu tư thực hiện.

Danh sách của Công an quận Long Biên thể hiện có 83 công trình đưa vào hoạt động chưa nghiệm thu về PCCC trên địa bàn quận. 

Đáng chú ý, trong danh sách này có Cục Hàng không Việt Nam (119 phố Nguyễn Sơn, phường Gia Thụy).

Sử dụng công trình chưa nghiệm thu PCCC bị xử phạt như thế nào? - 1

Cục Hàng không Việt Nam (119 Nguyễn Sơn, phường Gia Thụy) nằm trong danh sách 83 công trình chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng của Công an quận Long Biên (Ảnh: Nguyễn Hải).

Liên quan đến việc Cục Hàng không Việt Nam nằm trong danh sách 83 công trình đưa vào hoạt động khi chưa nghiệm thu về PCCC, trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết, công trình được đưa vào Nghị quyết 05 nhưng vẫn chưa khắc phục xong tồn tại, thiếu sót.

"Cục đã xây dựng kế hoạch khắc phục rồi, khi nào khắc phục xong thì đưa ra khỏi danh sách", vị lãnh đạo Công an quận Long Biên thông tin.

Theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Khoản 1 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Theo đó, đối với dự án, công trình có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Chủ đầu tư công trình phải đề nghị cơ quan cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Luật sư Giáp cho biết thêm, Khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định rõ về thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Theo đó, quy định cơ quan có thẩm quyền duyệt thiết kế về PCCC cũng có quyền đến kiểm tra kết quả nghiệm thu PCCC mà mình đã thẩm duyệt bao gồm: Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an cấp tỉnh...

Luật sư Giáp cho biết thêm, hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa nghiệm thu về PCCC là vi phạm pháp luật.

Theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư, xây dựng thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.

Nếu vi phạm về PCCC đến mức phải xử lý hình sự thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự năm 2015; mức phạt tù cao nhất theo khoản 3 Điều 313 lên đến 12 năm tù.

Luật sư Giáp nêu quan điểm: "An toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu, không nên đặt nhân viên và khách hàng vào nguy cơ không cần thiết".

Các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC cần liên hệ với cơ quan PCCC địa phương để yêu cầu hỗ trợ và tư vấn. Các chuyên gia sẽ giúp đánh giá rủi ro và đề xuất các biện pháp tạm thời để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng công trình.

Ngày 6/7/2022, HĐND TP Hà Nội ra Nghị quyết 05 quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực...

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng và trình tự thực hiện

1. Nguyên tắc áp dụng:

a) Tuân thủ việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về PCCC; trường hợp không thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo quy định hiện hành thì được áp dụng quy định tại Nghị quyết này...

2. Trình tự thực hiện:

a) Người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục các nội dung tồn tại đối với cơ sở thuộc đối tượng quy định của Nghị quyết này và được UBND cấp huyện quản lý theo địa giới hành chính phê duyệt.

b) Người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ thiết kế cải tạo gửi Công an thành phố tham gia ý kiến bằng văn bản trước khi thi công.

c) Sau khi thi công hoàn thiện, người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu đối với công trình và có văn bản đề nghị, kèm theo hồ sơ nghiệm thu gửi cơ quan công an theo địa bàn, phân cấp quản lý để kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các nội dung tồn tại.

d) Cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá việc hoàn thành các nội dung tồn tại của cơ sở theo địa bàn, phân cấp quản lý.

e) Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá của cơ quan công an, UBND cấp huyện có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về việc khắc phục hoàn thành các nội dung tồn tại về PCCC đối với cơ sở.