Sẽ chuyển trách nhiệm về du lịch cho Bộ trưởng kế tiếp

(Dân trí) - “Với tư cách là người đứng đầu ngành văn hóa, những gì cố gắng rồi nhưng chưa đạt được mong muốn của Quốc hội thì tôi xin chịu trách nhiệm. Và trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt cho Bộ trưởng kế tiếp”, Bộ trưởng Bộ VHTT và DL Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn.

Ngày 17/11, đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn như tình trạng chặt chém, trấn lột, ăn xin chèo kéo, ô nhiễm môi trường đã gây bức xúc cho du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài.

Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng làm rõ vì sao ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tìm được những giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng ngành du lịch. “Liệu rằng đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam có thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có vị trí xứng đáng trong khu vực như Nghị quyết 52 của Quốc hội đã đề ra. Bộ trưởng lý giải như thế nào về trách nhiệm của ngành, của cá nhân Bộ trưởng với vai trò là Tư lệnh ngành?”, đại biểu Hải nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, trách nhiệm của ông là truyền đạt lại cho Bộ trưởng sau
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, trách nhiệm của ông là truyền đạt lại cho Bộ trưởng sau

Trước câu hỏi trên của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) Hoàng Tuấn Anh cho biết, ngành du lịch thời gian qua đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Từ năm 2010 đến nay đã tăng trưởng 1,6 lần và cuối năm nay có khả năng đạt 320.000 tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD.

Về ý kiến so sánh du lịch Việt Nam với Lào, Campuchia, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam cùng Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đã cam kết “5 quốc gia, 1 điểm đến”. Việt Nam mong muốn du lịch Lào, Campuchia phát triển mạnh hơn nữa, vì qua đó Việt Nam cũng hưởng lợi. Tất nhiên, từ cách làm du lịch của các nước bạn, Việt Nam cũng học được nhiều bài học kinh nghiệm để phát triển du lịch trong nước.

Về phát triển du lịch trong nước, ông Hoàng Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang đứng trước những đặc điểm cơ bản như chính trị xã hội ổn định, danh lam thắng cảnh phong phú và đa dạng, ẩm thực phong phú, hấp dẫn, người dân thân thiện, mến khách… Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho du lịch của nước ta còn hạn chế.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh để đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam thành ngành mũi nhọn thì ngành du lịch phải tham gia vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành khác phát triển. Giải quyết lao động, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần bảo tồn, phát triển các khu du lịch quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.

Ông Hoàng Tuấn Anh cũng nhớ lại phiên chất vấn trước đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có đặt câu hỏi là bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore. Việc này ông Hoàng Tuấn Anh nói: “Tôi bỏ ngỏ, để cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời. Tôi không dám trả lời, vì điều đại biểu Hải nêu ra sẽ lý giải vì sao chúng ta chưa đạt được”.

Người dân chúng ta thân thiện, mến khách còn việc chặt chém, theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chỉ có một số ít, không nhiều nhưng gây bức xúc. Thời gian tới, Bộ VHTT và DL sẽ đề xuất bổ sung sửa đổi Luật Du lịch cho phù hợp với tình hình hiện nay, dự kiến trình tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV; tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghị quyết chính phủ về phát triển du lịch.

Ông Hoàng Tuấn Anh phân tích rằng, ngành của du lịch là ngành tổng hợp, chất lượng du lịch dịch vụ phụ thuộc vào 7 yếu tố là hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, ý thức cộng đồng, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.

“Với tư cách là người đứng đầu ngành văn hóa, những gì cố gắng rồi nhưng chưa đạt được mong muốn của Quốc hội thì tôi xin chịu trách nhiệm. Và trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt cho Bộ trưởng kế tiếp”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kết thúc trả lời.

Ông Hoàng Tuấn Anh chốt lại phần trả lời của mình bằng câu hỏi ngược trở lại chủ tọa: “Thời gian không còn nữa, làm sao bây giờ?”.

Quang Phong