1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường "nát bét"

(Dân trí) - Tết Kỷ Hợi 2019 đã cận kề nhưng người dân Huế nhìn đâu cũng thấy những con đường ngổn ngang như “bãi chiến trường”, mà theo người dân là do Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế gây ra.

Theo tìm hiểu, Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế được khởi công từ tháng 8/2015 do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Kinh phí dự án có tổng mức đầu tư là 24 tỷ yên (tương đương 5.000 tỷ đồng), trong đó 20,8 tỷ yên là của chính phủ Nhật Bản, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả.

Dự án nhằm cải tạo, mở rộng hệ thống thoát nước; xây dựng mới và cải tạo thu gom, xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thị Nam sông Hương giai đoạn 2020.

Có thể nói, hơn 3 năm qua người dân TP Huế đã vô cùng khổ sở vì dự án này gây ra. Đặc biệt là vào những dịp lễ Tết, khi nhu cầu đi lại tăng cao, hoạt động buôn bán vào mùa cao điểm...

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 1

Những tuyến đường bùn lầy trơn trượt

 

Hiện tại các tuyến đường như Nguyễn Lộ Trạch, Tùng Thiện Vương, nút giao giữa đường Hà Nội với Vincom, Bà Triệu – Tố Hữu, đường Phan Chu Trinh, đường Hùng Vương, đường Lê Lợi, Ngự Bình, Đặng Văn Ngữ, Lịch Đợi... đều đang được thi công dang dở.

Các tuyến đường vốn đã xuống cấp nghiêm trọng, cùng việc dự án cải tạo đã suốt hơn mấy năm qua vẫn chưa hoàn thành khiến người dân hai bên đường phải sống trong cảnh bụi bặm, ô nhiễm triền miên. Bên cạnh đó việc thi công này còn chiếm một phần lớn bề mặt của con đường dẫn đến tình trạng tham gia giao thông của người dân hết sức khó khăn nhất là giờ cao điểm, số lượng công nhân tan ca, cũng như học sinh sinh viên lưu thông qua đây luôn là nỗi ám ảnh, gây tắc nghẽn hàng loạt.

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường "nát bét"

 

Mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi nhau chở vật liệu xây dựng qua đây, góp phần "băm nát" những đoạn đường này. Nhiều gia đình sống dọc tuyến đường phải chịu cảnh bụi bay mù mịt cả ngày lẫn đêm. Khi trời mưa xuống, người dân lại lâm vào cảnh khốn đốn hơn với ổ voi, ổ gà lầy lội bùn.

Một số gia đình nằm sát đường thì luôn phải đóng chặt cửa nhưng bụi vẫn bám đầy nhà. Vào những ngày mưa, nước đọng thành vũng tại các hố to nhỏ chi chít trên đường. Những lớp bùn đất ứ đọng khiến mặt đường nhão nhoẹt, trơn trượt và lầy lội.

Khổ nhất là các cháu học sinh đi học qua đoạn đường này quần áo luôn lấm bẩn, nhiều khi bị té ngã. 

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 2

Công trường đang thi công mặt đường lầy lội

 

Được biết, trước khi tiến hành thi công các nhà thầu đã ký cam kết với chính quyền và người dân sớm trả lại mặt bằng nguyên trạng, tuy nhiên đến nay rất nhiều tuyến đường vẫn chưa được bồi hoàn và ô nhiễm môi trường cũng như tai nạn giao thông vẫn tiếp tục xảy ra. 

Người dân TP Huế mong muốn các chủ đầu tư cũng như các cơ quan có thẩm quyền sớm có những biện pháp cụ thể, để người dân có thể đón một cái Tết an toàn trên những tuyến đường đẹp và rộng rãi, thông thoáng.

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 3

Nhiều con đường như "bãi chiến trường" khi hơn 10 ngày nữa là Tết

 

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện Môi trường nước TP Huế, do công tác hoàn trả các đường bị vướng mặt bằng từ tháng 11/2018. Ở Huế mưa nhiều và độ ẩm nền lớn nên phải chờ trời nắng làm mới được. Bên cạnh đó do các nhà thầu đi thầu lại các thầu phụ mà không trả tiền, mắc nợ nên các đơn vị thi công của thầu phụ chây ỳ, không chịu làm.

“Chúng tôi liên tục họp giao ban 3 ngày 1 lần. Việc nợ nần giữa các bên làm chúng tôi rất mệt và đau đầu, nó ảnh hưởng tiến độ làm công trình bị chậm. Đã có ký tá giữa các bên rồi mà lại không chịu trả tiền cho người ta. Cũng có nguyên nhân sâu xa là do dự án gia hạn thêm 2 năm nên từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2018 tiền chưa giải ngân được. Khoảng hơn 5 nhà thầu thấy không có tiền thì không làm, đến khi có tiền thì trời lại mưa xối xả"”- ông Tuấn Anh giải thích.

20190117_110508.jpeg

ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện Môi trường nước TP Huế ngao ngán trước độ chây ỳ của các nhà thầu, cho biết sẽ dùng các biện pháp "mạnh tay" để xử lý, nhằm cho tiến độ khắc phục đường sá tại TP Huế được đẩy nhanh

 

Ông Tuấn Anh cũng chỉ ra nhiều trường hợp nợ chây ỳ, như Công ty Bạch Đằng 15 thuộc Tổng Công ty Bạch Đằng ngoài miền bắc nợ Công ty Tuyết Liêm (ở Huế) trên 300 triệu hơn 3 năm chưa trả. Công ty Minh Đạt cung cấp bê tông, nhựa cũng bị nợ lớn. Công nhân nghèo khổ làm việc giữa nắng mưa cũng bị nợ tiền công… Việc nợ này và tiến độ thi công đường, ngay cả UBND TP Huế đã tăng cường kiểm tra nhắc nhở nhưng vẫn bị chậm chủ yếu là do yếu tố "nhân tai"”

Hiện các đơn vị làm chậm các đường như báo phản ánh là Công ty Viwaseen (thi công đường Hùng Vương, Nguyễn Lộ Trạch, Thanh Tịnh, Tùng Thiện Vương, Ngô Gia Tự, Hai Bà Trưng…), Công ty UDIC (đường Tùng Thiện Vương, Phan Chu Trinh…). Để giải quyết mặt đường sạch đẹp khi Tết đã cận kề, ông Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thảm tạm 1 lớp xi măng nhựa mỏng ở các đường chưa làm xong trước Tết; đường nào cố gắng làm xong thì phải thảm nhựa hoàn chỉnh. Riêng mặt cầu Phú Xuân sẽ được thảm nhẹ hoàn tất trước ngày đưa Ông Táo về trời - 23 tháng Chạp

Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, Chủ tịch UBND TP Huế - ông Nguyễn Văn Thành đã từng trả lời chất vấn ở kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về dự án này. Lúc đó, ông Thành phát biểu mong nhân dân thông cảm vì sự chậm trễ, đường sá không được sạch đẹp.

"Thay mặt lãnh đạo thành phố, chúng tôi rất hiểu những bức xúc của một số bà con ở một số tuyến đường buôn bán. Công trình làm ra bụi, chậm, kéo dài và ảnh hưởng. Nhưng mong bà con cũng chia sẻ vì bất cứ một dự án nào làm hệ thống thoát nước cũng đều bị như vậy" - ông Thành nói hồi đó.

Tuy nhiên với sự chậm trễ cứ kéo dài triền miên, đường sá ngổn ngang thì rất khó để người dân "thông cảm" với ông Thành.

 

Dưới đây là những hình ảnh do PV ghi nhận:

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 4

Đường Phan Chu Trinh chi chít những ổ gà ổ voi

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 5

Đường tan nát, lầy lội

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 6

Người dân Huế đã quá ngao ngán với cảnh này 

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 7

Những đoạn đường đã được thi công xong nhưng không được trả lại vỉa hè, có thể gây tai nạn cho người tham gia giao thông

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 8

Tuyến đường không được trả lại mặt bằng sau khi đã thi công xong

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 10

Người dân di chuyển khó khăn phải dắt bộ xe máy

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 12
Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 13

Một đoạn đường Lê Lợi tuy đã được làm xong nhưng mặt đường vẫn chưa được hoàn trả.

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 17

Đường Nguyễn Lộ Trạch làm mấy năm chẳng xong

Sát Tết, người dân Huế ngán ngẩm nhìn những con đường nát bét - 18

Chính sự bê bối của nhiều đơn vị thi công và sự chỉ đạo không quyết liệt của UBND TP Huế, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế đã dẫn đến tình trạng gần Tết rồi mà đường vẫn cực xấu

                                                                                                                   

Cường - Huấn - Huyền - Dương