1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Sạt lở ven kênh TPHCM lan rộng

Tâm Linh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) ngày 7/7, khu vực sạt lở ở giáp bờ kè kênh Thanh Đa (đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh) đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) ngày 7/7, khu vực sạt lở ở giáp bờ kè kênh Thanh Đa (đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh) đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Sạt lở ven kênh TPHCM lan rộng - 1

Khu vực sạt lở nằm ở bờ phải kênh Thanh Đa, cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m, thượng lưu 120m (Ảnh: Hoàng Hướng).

Trước đó, vào ngày 22/6, Trung tâm Quản lý đường thủy phát hiện và ghi nhận trên hành lang mặt kè (lát gạch con sâu) xuất hiện một số vị trí gạch bị bong tróc và sụt lún nhỏ.

Từ ngày 24 đến 26/6, khu vực này xảy ra sụt lún, công trình kè và khu vực tiếp giáp kè bị dịch chuyển vị trí (chuyển vị).

Cụ thể, đỉnh kè chuyển vị ra phía kênh theo phương ngang (vị trí xa nhất) khoảng 1,5m so với tim tuyến kè thiết kế ban đầu. Đồng thời, mặt đất bị lún theo phương đứng (vị trí sâu nhất) là khoảng 0,8m so với cao độ đỉnh kè thiết kế. Toàn phạm vi kè hứng chịu chuyển vị dài khoảng 120m, rộng 10m.

Sau đó, từ ngày 27/6 đến 8/7, qua quan trắc Trung tâm Quản lý đường thủy ghi nhận hiện tượng sụt lún, chuyển vị tiếp tục diễn biến phức tạp. 

Sự chuyển vị theo phương ngang là khoảng 1,89m (tăng thêm 0,15m so với hơn một tuần trước). Chuyển vị theo phương đứng khoảng 1,26m so với cao độ hành lang mặt kè thiết kế (tăng thêm 0,46m).

Hiện phạm vi ảnh hưởng lún sụt lên đến 200m kè đá hiện hữu, xuất hiện vết nứt 10-15cm cách đỉnh kè khoảng 10m, chiều dài khoảng 120m.

Tình trạng trên gây thiệt hại về tài sản của 15 hộ dân ven kênh, đa số nhà cửa bị nứt tường, lún và nghiêng ra phía kênh, có thể bị sạt lở về phía sông bất cứ lúc nào; bên cạnh đó cũng thiệt hại về công trình hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Sạt lở ven kênh TPHCM lan rộng - 2

Nhiều hộ dân sống trong một số hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh phải chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra tại bờ kênh Thanh Đa (Ảnh: Hoàng Hướng).

Từ khi mới phát hiện sụt lún, nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản người dân nằm trong khu vực trên, Sở GTVT đề nghị UBND quận Bình Thạnh tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng.

UBND phường 25 (quận Bình Thạnh) cho biết, chính quyền đã hoàn thành di dời các hộ dân trong tối 28/6. Theo đó, 7 hộ dân được di dời tạm đến chung cư tái định cư số 4 Phan Chu Trinh (phường 12, quận Bình Thạnh); 6 hộ chủ động tự di dời đến nơi ở khác để thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Trung tâm Quản lý đường thủy, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM và chính quyền địa phương đã thực hiện những biện pháp khắc phục trước mắt như di dời người dân và tài sản, rào chắn, cảnh báo, tiếp tục quan trắc diễn biến sạt lở...

Sở GTVT TPHCM cho biết, cũng tại khu vực này, vào năm 2005 đã xảy ra sạt lở nguy hiểm, nên UBND TP đã chỉ đạo xây dựng công trình kè nhằm bảo vệ tài sản của người dân và hạ tầng khu vực từ năm 2007 và đưa vào sử dụng một năm sau.

Công trình có phạm vi hành lang giải tỏa là 3,5m tính từ đỉnh kè phía trong bờ; được xây dựng với quy mô kè mềm, mái nghiêng lát viên bê tông đúc sẵn trên nền đất đắp và thảm đá để gia cố lòng sông.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, mưa lớn nhiều ngày làm cho nền đất sau kè (dưới nền nhà của hộ dân) thường xuyên bị đọng nước do không có hệ thống thoát nước sau kè khiến nước thoát chậm.

Đồng thời, nước mưa nhiều cộng với triều cường thường xuyên đã tạo chênh lệch mực nước lớn, khi triều kiệt (mực nước hạ xuống thấp nhất) làm gia tăng áp lực ngang lên kè, là nguyên nhân gây mất ổn định kè hiện hữu.

Bên cạnh đó, các nhà dân xây dựng cách đỉnh kè 3,5m cũng làm gia tăng tải trọng ngang, tăng thêm nguy cơ sạt lở sau 15 năm kè được sử dụng.

Hiện tại các công trình kè lân cận trên kênh Thanh Đa đoạn 1.2, 1.3, 1.4 (có kết cấu như đoạn 1.1 nêu trên) vẫn được khai thác ổn định, do phạm vi nhà dân nằm cách đỉnh kè 10m trở lên. 

Sạt lở ven kênh TPHCM lan rộng - 3

Khu vực nguy cơ cao sạt lở ven kênh Thanh Đa (Ảnh: Google Maps).

Trong tháng 6, Sở Giao thông Vận tải TPHCM gửi UBND TP xem xét trình HĐND TP, để xin quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 7 tới cho dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Sài Gòn (phường 25, quận Bình Thạnh, thuộc khu vực kho vũ khí cũ của Quân khu 7 quản lý). 

Dự án được đầu tư gần 106 tỷ đồng, dành để khắc phục đoạn có khả năng sạt lở dài khoảng 100m, rộng 7m.