1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

“Sa mạc” Thiên Cầm!

Mới nửa buổi sáng, nắng ở Thiên Cầm (Hà Tĩnh) đã rát mặt. Cùng với nắng là mênh mang cát và những dấu tích còn lại của các giàn khai thác Titan vừa “hoàn thành nhiệm vụ”. Đó đây, những gốc phi lao, bạch đàn chổng ngược lên, ngầm báo rằng nơi này trước đây là… rừng.

Rừng không còn, bờ biển Thiên Cầm nên thơ hóa thành sa mạc! Thi thoảmg, trên “sa mạc” Thiên Cầm, tôi gặp đám... que loi nhoi khô quắt! Dân nơi đây bảo đó là “khu rừng” vừa được doanh nghiệp khai thác Titan “hoàn thổ”, trồng lại cho dân địa phương...

 

Tháng 5 là gió Lào dữ dằn nhất. Gió mang hơi nóng từ dãy núi dài phía tây nối nhau lao xuống, phủ dầy cát lên thôn nhỏ Song Yên của thị trấn Thiên Cầm. “Chừ đến tháng 8 là gió Lào. Tháng 9 - 12 là mùa bão. Tháng mô cát cũng bay mù mắt chú ơi”, ở ngôi nhà như bị cát sắp... nuốt chửng đầu thôn, tôi nghe bà Nguyễn Thị Quế than thở như thế.

 

Bà lão 69 tuổi vô cùng ân hận vì cuối năm ngoái đã bán sạch vườn đất cho doanh nghiệp (DN) khai thác Titan lấy 17,5 triệu đồng. Khoản tiền nhỏ ấy giờ không còn nhưng hậu quả mà gia đình đang phải gánh chịu không chỉ là “cát bay mù mắt” mà cát còn vào tận bát cơm sắp đưa lên miệng...

 

Khai thác Titan xong, DN bỏ đi để lại cho bà đống cát lù lù trước ngõ và mấy sào đất vườn không trồng trọt được. “Phải mất 5 năm nữa mới trồng cây được. Có chi trong cát nữa mô mà trồng chú!”. Đúng là không còn chút dinh dưỡng nào trong lớp cát mặn bị xới lên để hút Titan. Nhìn mấy sào vườn tơi tả quanh ngôi nhà, tôi cảm thấy xót xa cho sự đánh đổi quá ngặt nghèo của người nông dân sống trên đất cát Thiên Cầm.

 

Ở Song Yên, may mắn nhất có lẽ là nhà ông Hoàng Bá Thuận vì còn giữ được đám vườn, trồng trọt hoa màu lấy cái ăn. Tháng 10/2007, ông Thuận bán 9.000m2 đất rừng trồng của mình cho DN Titan, được 22 triệu đồng. Một tháng sau khi đặt giàn xoắn hút cát trên đất nhà ông Thuận, DN Titan lẳng lặng bỏ đi, để lại trảng cát mịt mù tơi tả. Không còn cách nào khác, ông Thuận phải dùng chính 22 triệu đồng đó để mua phân bón và thuê người cải tạo đất.

 

Nhưng hy vọng “chống cát bay, cát chạy và cát nhảy” này quá mong manh khi chính ông Thuận cũng phải thừa nhận: “mất từ 5 - 10 năm nữa mới trồng lại được trên lớp cát bị xới lên lấy quặng Titan”.

 

Năm 2001, ông Thuận từng từ chối bán mấy sào vườn đang canh tác lấy 40 triệu đồng nhưng đến năm 2007 thì không cưỡng lại được “cơn lốc” bán đất ở Thiên Cầm. Như lời ông, “không bán không được”. DN cứ ngày ngày cho người đến, kèo nèo trả từ chục triệu trở đi. Đất nhà bên cạnh đã bán rồi, mình không bán cũng bị phá tan hoang nên đành phải bán!

 

Trên lối mòn nham nhở cạnh mấy cỗ máy khai thác Titan lừng lững, tôi gặp người đàn ông 62 tuổi tên là Nguyễn Văn Tường. Ông đang bước thấp bước cao, khệ nệ ôm gốc, cành phi lao khô về làm củi. Thấy tôi đưa máy ảnh lên, ông Tường cười bảo: “Cho chú mi chụp thoải mái, để mọi người biết Thiên Cầm quê choa bị Titan hắn mần cho... rụi hết rồi!”.

 

Cạnh chỗ ông Tường nhặt gốc phi lao khô là ngôi nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Khấn, nằm giữa bãi cát toang hoang. Ở nơi từng là ngõ ra vào của ngôi nhà cũng lù lù hai đống cát to, dấu tích của một giàn Titan vừa được dời đến vị trí mới cách đó vài chục mét. Anh Khấn bán 3.900m2 đất quanh ngôi nhà với giá 14 triệu đồng. Cũng như nhiều gia đình khác ở Song Yên, vợ chồng anh được đại diện DN Titan hứa “hoàn thổ” lại cây cối, nhưng “đợi mỏi mắt mà chẳng thấy chi”.

 

Qua câu chuyện với những nông dân chất phác thôn Song yên, tôi giật mình vì không nơi nào đất cát được “bán” vô tư như ở đây. DN Titan cho người đến từng nhà kỳ kèo trả mua đất như... mua cá. Việc mua bán không có sự can dự của chính quyền địa phương. “Vô tư” nhất là chuyện nông dân không cần giữ hợp đồng mua bán đất đai với DN Titan! Vì chỉ biết giao đất, nhận tiền nên không người dân nào có thể buộc DN Titan thực hiện những điều khoản do hai bên thoả thuận.

 

Tôi được TS Đào Trọng Hưng (Viện Khoa học Công nghệ) và ông Phạm Quang Tú (Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển) giúp tìm được một tài liệu quan trọng về khai thác Titan (còn gọi là IImenite) ở Hà Tĩnh.

 

Từ năm 1977 đã có một dự án khai thác Titan lớn được triển khai tại các xã Cẩm Hoà, Cẩm Long (Cẩm Xuyên) và Thạch Hội, Thạch Trị (Thạch Hà) của Hà Tĩnh. Vùng mỏ này nằm dọc theo quốc lộ 1A và dọc theo bờ biển. Từ năm 2007 đến nay, đất cát ở các xã này từng nhiều lần bị đào lên trộn xuống nhằm tận thu Titan.

 

Ông Nguyễn Huy Tâm, Trưởng phòng Quản lý Môi trường của Sở TN&MT Hà Tĩnh nói với tôi rằng, cơ quan quản lý không thể biết được giá trị thực của Titan nhưng rõ ràng lợi nhuận từ việc khai thác nguồn quặng này là rất lớn. Trước đây, khi tỷ lệ khai thác Titan ở mức 2% (20kg Titan/tấn cát) là DN đóng cửa mỏ nhưng bây giờ họ tận thu dưới 0,5% (5kg Titan/tấn cát). Nhiều khu vực khai thác vừa “hoàn thổ” xong lại bị xới lên để tận thu.

 

Bất cứ ai từng sống ở vùng cát ven biển đều biết rằng, thứ cây có sức sống mãnh liệt nhất là cây phi lao, phải mất hàng chục năm, thậm chí cả nửa thế kỷ, mới cao hơn đầu gối người. Nhưng có một thực tế đau lòng đang diễn ra là rễ cây vừa bén đất đã bị hất ngược lên trời trong cơn lốc Titan “vô tiền khoáng hậu”.

 

Chỉ mười mấy cây số dọc tuyến đường Thiên Cầm - Thạch Hải, có đến 6 giàn khai thác Titan đang hoạt động hết công suất. Các vít xoắn đã phá nát dải bờ biển Thiên Cầm. Sóng gió Thiên Cầm không còn réo rắt như tiếng đàn trời mà đang gào xé bi thương vì bị biến thành “sa mạc”.

 

Theo Dương Thanh Tùng

Báo Thanh Tra