Phát hiện mỏ quặng lậu “khổng lồ” tại Bắc Kạn

(Dân trí) - Mỏ quặng đồ sộ bị khai thác trái phép tại huyện Chợ Đồn, nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết ?! Sự việc "động trời" này chỉ "phát lộ" khi người dân trình báo thẳng lên lãnh đạo tỉnh.

Lập dự án “ma” để ăn cắp quặng sắt

 

Tiếp nhận thông tin vụ táo tợn trộm tài nguyên “động trời” xẩy ra tại huyện Chợ Đồn, từ trung tâm tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi ngược theo con đường liên tỉnh 254 theo hướng đi Định Hóa - Thái Nguyên khoảng 60 km đến đèo Kéo Lếch. Đây được coi là vùng đèo sắt, núi sắt. Theo tiếng Tày, “Kéo Lếch” có nghĩa là sắt nhiều vô số, vô kể.


Đến đèo Kéo Lếch, theo con đường mòn cỡ lớn được “quặng tặc” mở, xe chúng tôi “vọt” thẳng lên núi khoảng 500 mét để quan sát hiện trường phi vụ ăn cắp tài nguyên quốc gia một cách táo tợn của “quặng tặc”.


Mỏ quặng lậu khổng lồ trên địa bàn Nghĩa Tá - Chợ Đồn - Bắc Kạn được người dân phát hiện.


Mỏ quặng lậu khổng lồ trên địa bàn Nghĩa Tá - Chợ Đồn - Bắc Kạn được người dân phát hiện.
Mỏ quặng lậu "khổng lồ" trên địa bàn Nghĩa Tá - Chợ Đồn - Bắc Kạn được người dân phát hiện.

Mỏ quặng “khổng lồ” bị các đối tượng “quặng tặc” khai thác trái phép, nghiêm trọng. Chúng tôi chứng kiến cảnh tượng nham nhở của những dấu vết còn lại sâu đến hàng chục mét, đất quặng bị đào xới tơi bời. Đặc biệt, chúng huy động máy xúc, xe ủi để san gạt đất bừa bãi đè lên rất nhiều cây rừng trên núi khiến nhiều động thực vật nơi đây bị ép… “đột tử”.


Hiện trường đồ sộ đến mức chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ chi tiết, ở đây “quặng tặc” bình thản ăn cắp và phân loại quặng to nhỏ, lớn bé ra từng vị trí tập kết khác nhau. Một khu là quặng vụn có hàm lượng cao; một khu là quặng dạng cục, có những khối quặng đặc to bằng chiếc xe tải cỡ nhỏ, nặng hàng tấn; một khu là quặng nhỏ có lẫn với đất. 


Hiện trường khu vực khai thác còn nguyên dấu vết bánh xe tải chở quặng, vết cào xúc của máy xúc mã lực lớn, khu lán trại được dựng cố định che nắng mưa phục vụ ăn ở, sinh hoạt cho đội “quặng tặc” đào bới lòng đất để ăn cắp tài nguyên trong lòng đất. Nói chung, đại công trường khai thác quặng lậu tại khu vực đèo Kéo Lếch có quy mô không khác gì những khu mỏ chính quy khác được nhà nước cấp phép. 



Mỏ quặng lậu khổng lồ trên địa bàn Nghĩa Tá - Chợ Đồn - Bắc Kạn được người dân phát hiện.

Mỏ quặng lậu khổng lồ trên địa bàn Nghĩa Tá - Chợ Đồn - Bắc Kạn được người dân phát hiện.

Hiện trường còn lại nham nhở với những hố bị "quặng tặc" múc sâu hàng .chục mét để ăn cắp tài nguyên Quốc gia


Điều đáng nói là để vụ việc “động trời” này xảy ra trong một thời gian rất dài (từ 01/1/2011 đến tháng 7/2012) mà cơ quan chức năng huyện Chợ Đồn không hề biết hay tổ chức kiểm tra đình kỳ để phát hiện. Sự việc chỉ lộ rõ khi một người dân địa phương trình báo thẳng lên một lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn. Và khi nhận biết sự việc “động trời” này, tỉnh Bắc Kạn mới vào cuộc quyết liệt chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương làm rõ nguồn cơn.


Điều mà người dân và dư luận quan tâm là cho đến khi vụ việc khai thác quặng lậu được phanh phui thì đã có bao nhiêu tấn quặng lậu được “quặng tặc” mang đi tiêu thụ trót lọt(?!), trong khi hiện trường quặng lậu bị bắt giữ còn lại trên đỉnh Kéo Lếch là 2.700 m3.


Chính quyền bị “qua mặt” ?


Theo tài liệu mà PV Dân trí có được, nguồn gốc của khu mỏ quặng  lậu “động trời”, xuất phát từ khu đồi đất trồng rừng của ông Nông Văn Sính có diện tích 72.575 m2. Ngày 01/1/2011, ông Nông Văn Sinh đã giao lại toàn bộ diện tích đất cho ông Nguyễn Tiến Oanh dưới một bản hợp đồng thuê đất giữa 2 bên.


Với “vỏ bọc” thuê đất để trồng cây giống phục vụ cho việc trồng rừng thuộc dự án 147 tại huyện Chợ Đồn, ông chủ Nguyễn Tiến Oanh đã ngang nhiên “điều” nhân lực cùng nhiều máy móc vào san gạt núi để múc trộm quặng mang đi tiêu thụ. Việc ăn cắp tài nguyên đã diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” bởi “quặng tặc” được ông Ma Đình Oanh - Chủ tịch xã Lương Bằng xác nhận bằng dấu đỏ việc cho thuê đất và san gạt khu mỏ.


Mỏ quặng lậu khổng lồ trên địa bàn Nghĩa Tá - Chợ Đồn - Bắc Kạn được người dân phát hiện.
Ông Hoàng Văn Mão trong buổi làm việc với PV Dân trí sau khi phát hiện mỏ quặng lậu "động trời" xẩy ra trên địa bàn huyện Chợ Đồn.
 
Từ khi có được xác nhận của chính quyền địa phương, “quặng tặc” đã thỏa sức “oanh tạc” mỏ quặng khổng lồ mà không hề bị lực lượng nào tại địa phương “gây khó dễ”. Thậm chí, không hề có thông tin gì về việc “quặng tặc” làm mưa làm gió bởi tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân cấp huyện cũng không thấy ai có ý kiến?!.


Tại buổi làm việc với PV Dân trí, ông Hoàng Văn Mão - Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cho biết: “Chính quyền không biết, cụ thể hơn là tôi không hề được ai nói hay báo cáo về việc tồn tại cả một mỏ quặng lậu “động trời” như vậy trên địa bàn huyện Chợ Đồn”.


Tài nguyên Sắt trong lòng đất tại khu vực đèo Kéo Lếch có trữ lượng cao.

Tài nguyên Sắt trong lòng đất tại khu vực đèo Kéo Lếch có trữ lượng cao.

Biên bản UBND huyện Chợ Đồn gaio cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ đào trộm quặng động trời.
Biên bản UBND huyện Chợ Đồn gaio cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ đào trộm quặng "động trời".


Theo lời ông Mão: “Chúng tôi có hẳn một hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn với bao nhiêu cấp chính quyền và đoàn thể đang hưởng lương, hưởng phụ cấp cùng với lực lượng công an nhưng dường như họ bị… tê liệt. Như thế này thì rất nguy hiểm”.


Ông Mão phân tích, “quặng tặc” muốn đưa quặng ra khỏi địa phận huyện Chợ Đồn xuôi về Thái Nguyên thì phải qua địa bàn nhiều xã, qua cả chốt kiểm tra khoảng sản liên ngành của tỉnh Bắc Kạn hoạt động 24/24 giờ. Vậy mà hàng nghìn, hàng chục nghìn tấn quặng sắt đã “qua mặt” được các cơ quan chức năng như… “tàng hình”.


Trước thông tin một số cán bộ cấp huyện, xã bị dư luận đồn đoán tiếp tay hay  thậm chí là “cổ phần” với “quặng tặc” nhằm mục đích ăn cắp tài nguyên quốc gia, ông Mão cho biết, ông có nghe, có tiếp nhận thông tin này và đã yêu cầu cơ quan công an huyện vào cuộc làm rõ, sớm “vạch mặt” những cán bộ tha hoá, biến chất nếu có để xử lý theo quy định pháp luật.


Quốc Đô - Anh Thế