1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Ninh Hiệp trước cơn lốc... "lắc"

Ninh Hiệp vốn được biết đến với sự sôi động của chợ vải nơi đây. Nhưng giờ đây nó đã bộc lộ mặt trái khiến người ta phải giật mình. Trong số hơn 30 đối tượng bị Công an Hà Nội bắt giữ tại "động lắc" Hương Xuân (10/4), đã có 4 thanh niên ở xã Ninh Hiệp.

Người thanh niên ngồi đối diện với chúng tôi có một vẻ mặt lỳ lợm, giọng nói bất cần. Nhiều người không mấy bất ngờ khi biết tin cậu bị bắt trong cơn say rượu và say thuốc lắc. Mấy người bạn cùng bị bắt với cậu trong "động lắc" Hương Xuân lại có hoàn cảnh không giống cậu. Mỗi người có một điểm xuất phát khác nhau nhưng điểm đến của họ vẫn bắt nguồn từ cách giáo dục và quản lý của gia đình.

 

Nguyễn Ngọc H (sinh năm 1986) vừa ra đời đã chịu cảnh thiệt thòi, cậu chẳng biết cha mình là ai. Khi H chưa đầy 2 tuổi, mẹ H cũng bỏ nhà ra đi. H lớn lên trong tình thương của ông bà và gia đình người cậu ruột. H học hết lớp 9 rồi bỏ. Cậu tham gia vào các trò chơi của những đứa trẻ nghịch ngợm như đánh nhau, đua xe. Bởi vậy H được xếp trong diện cần phải quản lý của địa phương.

 

Gần đây, H được làm tại một công ty liên doanh, nhưng chỉ nửa tháng sau đã bỏ việc vì H cho rằng công việc vất vả lương thấp. Vậy là một thanh niên đang ở độ tuổi khỏe mạnh lại ở nhà sống dựa vào ông bà, cậu mợ và vẫn được cho tiền đi chơi điện tử. Và rồi cả nhà bất ngờ khi nhận được tin H tham gia dùng thuốc lắc tại quán Hương Xuân.

 

Khi chúng tôi đến gia đình của H thì chỉ có người cậu ở nhà. Ông bà ngoại của H đi vắng, còn H thì đi chơi điện tử ở trong làng. Cậu của H kể về H, về sự cố gắng giúp cháu có công việc ổn định. Nhưng qua lời kể của anh, chúng tôi cảm nhận dường như H đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của gia đình. Bởi H đã từng được gia đình trang bị cho 2 chiếc xe máy nhưng rồi cậu mang nó đi đâu gia đình cũng không rõ.

 

H về, cậu ngồi tiếp chuyện một cách miễn cưỡng. Những câu trả lời dè dặt, trống không và bất mãn đã bộc lộ phần nào tính cách của H. Cậu kể chuyện bị bắt của mình như một người vô can. Hôm đó H đã cùng nhóm bạn vào vũ trường rồi đi uống rượu. Khi cả bọn đã say mèm, bèn kéo nhau về quán Hương Xuân. H nói giọng nhát gừng, mặt cúi gằm xuống nền nhà: "Lúc đó em say quá, uống cốc nước để sẵn trên bàn thấy đắng quá thì nhổ ra. Sau đó em nằm ở ghế chẳng biết gì nữa. Lúc bị bắt, em vẫn đang ngủ".

 

Sau khi được trở về nhà, H cũng chẳng biết làm việc gì ngoài đi chơi điện tử. Thật lạ là sau khi xảy ra sự việc, gia đình vẫn cho H tiền đi chơi điện tử. Có lẽ bởi họ muốn bù đắp những mất mát, thiệt thòi về tình cảm của H. Tuy nhiên, với sự tự ti, lối sống thu mình từ nhỏ cộng với sự chiều chuộng, quan tâm và cách giáo dục chưa thật đúng của gia đình đã khiến H trở thành một thanh niên hư.

 

H quan niệm rằng "đứa nào ở tuổi này chẳng hư, hết tuổi nghịch ngợm lấy vợ rồi lại ngoan hết". Lật lại câu nói của H, anh Trưởng Công an xã hỏi: "Bao giờ thì cháu hết tuổi nghịch?". H đáp lại bằng sự im lặng - cái im lặng của một thanh niên chưa nhận ra lối đi đúng cho mình.

 

Đó là lời tâm sự rất thật của anh trai đối tượng Nguyễn Bá Mẫn, sinh năm 1982, làm nhân viên ở quán Hương Xuân bị bắt về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cùng ngày với H. Khi đứa con trai út bị bắt, gia đình mới tá hỏa trước thông tin "dày đặc" về việc làm tội lỗi của con họ. Mẹ Mẫn là một phụ nữ nông dân quanh năm với ruộng đồng, chắt chiu từng đồng lẻ để nuôi 7 đứa con ăn học, trong đó Mẫn được học hành tử tế nhất.

 

Mẫn ra Hà Nội, tiếp xúc với cuộc sống phố phường, với nhiều mối quan hệ bạn bè. Tố chất thiện trong Mẫn dần bị mài mòn, anh ta lao vào ăn chơi và trượt dốc không phanh. Không ai ở làng quê ngoại thành kia lại có thể ngờ Mẫn là tay máu me cờ bạc đến thế. Gia đình cắt một suất đất bán lấy tiền cho Mẫn đi chạy việc. Ai ngờ Mẫn đã ném số tiền đó vào cờ bạc và những buổi "lắc" thác loạn.

 

Đến tận bây giờ gia đình cũng không biết Mẫn làm gì, ở đâu, vì sao bị bắt... Giải thích chuyện này, anh trai Mẫn cho rằng "Chú ấy lớn rồi, làm sao gia đình theo mãi được". Cách lý giải cũng có lý. Nhưng nếu như gia đình Mẫn quan tâm đến cuộc sống của "cậu út" một chút, từ Ninh Hiệp vào nội thành đâu có xa, chỉ cần biết Mẫn ăn ở thế nào là được. Lòng tin đôi khi lại là vũ khí đẩy con cái vào sai lầm. Mẫn trở thành bảo vệ của quán karaoke Hương Xuân và phạm tội.

 

Một số thanh niên hư, con nhà giàu có ở thành phố đi lắc không còn là chuyện lạ. Nhưng đám thanh niên mới lớn ở một xã ngoại thành Hà Nội bị bắt trong "động lắc" Hương Xuân lại là chuyện "động trời" ở vùng quê. Điểm lại thì thấy hầu hết chúng là con nhà buôn bán khá giả, gia đình trang bị cho xe máy "xịn" để đêm tối lượn lờ ngoài đường. Đối tượng L và P bị bắt ngày 10/4, đều bỏ học giữa chừng, đều là con một trong gia đình giàu có và thích sống buông thả.

 

Đặc biệt những gia đình này biết "tật xấu" của con nhưng lại không quản lý được, vẫn cho tiền, sắm đồ "xịn" cho con đi chơi. Hậu quả của sự nuông chiều thái quá đó dẫn đến con họ "lầm đường lạc lối". Gia đình nào cũng cho rằng bị bất ngờ, họ quản lý chặt đến thế cơ mà? Không phải là biện pháp tốt khi quản lý chặt đầu mà lại buông lỏng đuôi. Nếu như con họ đi chơi đến 10 giờ đêm không về thì phải kiểm tra, đằng này sự tự do đi về lại là nguyên nhân đẩy con họ đến với lắc.

 

 Theo Công An Nhân Dân