1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những sơn nữ chạy trốn tiếng ru hời

Tại một bản đồng bào dân tộc thiểu số nằm bên bờ sông Đà, có những sơn nữ đẻ con ra rồi đem bán con, rồi lại đẻ, lại bán... Thực trạng ấy diễn ra bình thản như cỏ cây, hoa lá, dù những đứa trẻ đã phải trải qua bao khổ ải để đến được nhân gian...

Lời ru buồn và nụ cười sơn nữ

 

Chiều muộn trên đỉnh núi bản Diều Luông, tôi nghe tiếng khóc xé lòng của đứa trẻ sơ sinh, tôi lọc mãi trong tiếng khóc ấy cũng không nghe thấy một tiếng ầu ơ của người mẹ. Tại sao tiếng con trẻ khóc thảm như thế mà không hề có tiếng ru hời. Tôi tự hỏi mình như vậy rồi lại tự trả lời câu hỏi ấy rằng đó là cách nuôi con của những người mẹ dân tộc vùng nghèo khó.

 

Họ sinh con ra còn đỏ hỏn đã đặt con vào gùi mang lên nương, lên rẫy. Những đứa trẻ ấy không bao giờ có được sự chăm sóc cẩn thận như trẻ miền xuôi. Nơi đây không có nơi gửi trẻ, cũng chẳng có đồ chơi cho trẻ. Trong mùa nắng nóng hay tiết trời tê tái lạnh thì những đứa trẻ ấy chỉ làm bạn với những bụi cây bóng mát và những chiếc gùi sau lưng mẹ...

 

Nhưng tiếng trẻ vẫn khóc văng vẳng bên kia ngọn núi thuộc bản Mít sao mãi không dứt? Một phụ nữ nói rằng mẹ nó đã bỏ bản, bỏ nó cho người thân. Nó vẫn thường khóc tìm mẹ vào những lúc trời nhập nhoạng tối. Người phụ nữ có tên Lường Thị Dừa ở bản Diều Luông vừa gùi những bó củi vừa kể. Đứa con bé tí xíu lững chững chạy theo mẹ về bản.

 

Thấy có tiếng người lạ, bọn trẻ con ở bản xúm xít lại nhìn ngó với vẻ lạ lẫm, sợ sệt. Chẳng mấy chốc trước cửa nhà chị Lò Thị Nga - Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Diều  -ã có mặt đầy đủ cả người lớn và trẻ nhỏ trong bản. Cuộc tìm kiếm về những sơn nữ bán con bỏ bản ra đi đã dần được hé mở.

 

Là người làm công tác xã hội nhiều năm ở bản, chị Lò Thị Nga nắm rất rõ những chuyện buồn như thế. “Tôi đã từng khuyên nhiều cô gái, đừng đi nữa và đừng bán con cho ai, tội nghiệp chúng lắm. Nhưng họ vẫn bán con để đi về xuôi làm gì đó, tôi không rõ. Có một cô tên là Lường Thị X. về xuôi vài tháng, khi trở về bản với cái bụng chửa. Cô này đẻ xong thì bán con rồi lại đi. Năm ngoái, cô ấy lại về mang theo cái bụng như lần trước và cô đã bán cho một người ở mãi dưới xuôi được 5 triệu đồng. Bên bản Mít cũng vậy đã có mấy người bán con rồi...”.

 

Sự chân tình và vồn vã đã làm chúng tôi có thiện cảm với chị. Chị Nga là người biết nhiều chuyện. Chị bảo, hầu hết những cô gái ấy khi quay về ăn mặc diện lắm.

 

Tết vừa rồi, chỉ có vài cô gái về bản còn một số cô có bạn trai chở xe máy về trong ngày lại đi luôn. ở cái bản nghèo này, chị cũng chỉ biết khuyên can, phân giải. Nhưng những lời khuyên giải của chị không làm lay động người mẹ của các trẻ nhỏ kia. Họ vì đồng tiền, đã đang tâm bán con mình. Thật đáng thương cho những người con gái đã khoác lên mình những thứ tân thời giả dối.

 

Nơi thiếu vắng hơi ấm

 

Chúng tôi biết được chuyện bán con là 2 lần cô Lường Thị X. ở bản Diều Luông có chửa nhưng không thấy nuôi con lại ăn mặc đẹp đi xe máy đẹp về bản...

 

Anh Lò Văn Đội - cán bộ tư pháp xã Tân Minh - cho biết: “Những cô gái đi làm ở dưới xuôi có chửa thì chả có ai khai sinh cho con khi đẻ. Tôi chỉ biết họ đẻ xong rồi chả thấy họ nuôi con nữa”. Còn ông Lò Văn Dưa - công an viên xã Tân Minh - nắm khá rõ về những cô gái về xuôi làm việc.

 

Ông Dưa cho biết: “Hiện xã có 15 cô gái đi làm dưới xuôi chủ yếu ở độ tuổi 17, 18. Chuyện bán con thì họ không công khai nhưng chuyện họ đi làm gì ở dưới ấy thì tôi biết rõ. Tết vừa rồi bố của một cô gái trong bản xuống tận Xuân Mai đón về ăn tết nhưng vừa về đến nhà được nửa buổi cô ấy lại trốn đi”.

 

Tiếng khóc của những hình hài sơ sinh được chào đời từ lòng người mẹ đang tâm ấy, có phải là những tiếng than ôi vang vọng, trách đời, trách phận, trách những người mẹ ở miền sơn cước đã rũ bỏ tất cả để lao vào những cuộc chơi. Thành thị là nơi phồn hoa và cũng không thiếu những cám dỗ. Nhưng, những thứ đó không thể biện hộ cho những việc mà các sơn nữ ấy đã làm.

 

Tại sao ở bản heo hút này lại có những chuyện như thế, lại có những cô gái như thế? Tôi chợt giật mình về việc làm trần gian có một không hai ấy. Giật mình khi một số mái nhà sàn đang thiếu vắng những hơi ấm, câu hát ngân nga, những sắc màu thổ cẩm của những người con gái miền sơn cước. Giật mình về Đà Bắc có chuyện buồn về người sơn nữ bán con!

 

Theo Nguyễn Đức Tuấn

An Ninh Thủ Đô