1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Vụ nâng cấp chợ phá di tích ở Nghệ An:

“Nhiều di chỉ văn hoá còn ở dạng… trầm tích”

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí chiều 14/9 về việc UBND xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu) <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/9/139504.vip"> ngang nhiên cho xây chợ Vân “đè” lên Di chỉ văn hoá Cồn Điệp </a> có niên đại hàng ngàn năm tuổi, ông Đặng Khắc Thắng, Phó giám đốc Sở VH-TT Nghệ An, thản nhiên: “… cứ “tấp” lại đó, khi nào có điều kiện sẽ phục hồi tu bổ, tôn tạo…”.

Không biết cái gọi là “điều kiện” đó bao giờ mới có, chỉ biết hiện tại, hành động “tàn phá, khủng bố” di chỉ văn hóa này đã gây bức xúc không ít trong dư luận.

 

Ông Thắng tỏ thái độ xem chuyện “phá di tích” trên như là một “sự đã rồi” và khẳng định: “Không riêng gì Di chỉ Cồn Điệp mà nhiều di chỉ khác như Làng Vạc, Đồng Trương nằm trên đất Nghệ hầu hết đang ở dạng trầm tích”.

 

Ông cũng cho biết: Việc xã Quỳnh Văn có ý định sữa chữa lại chợ Vân, Sở đã được UBND huyện Quỳnh Lưu báo cáo. Nhưng vì Sở đã phân cấp cho huyện nên chủ yếu là trách nhiệm giữa huyện với xã. Tuy nhiên, thái độ của Sở là chỉ đạo huyện Quỳnh Lưu không được xâm phạm đến di tích.

 

Trên thực tế, trong khi tiến hành phục hồi chợ, xã Quỳnh Văn đã gián tiếp đào xới vào “da thịt” di chỉ. “Xây mới thì chắc chắn sẽ đụng chạm đến cái cũ. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng là không lớn”, ông Thắng khẳng định.

 

Điều lạ khác là một di chỉ văn hóa có niên đại hàng ngàn năm tuổi, là nơi cư trú và là khu mộ của người nguyên thuỷ đã được khai quật từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận cấp Quốc gia, đến cấp tỉnh cũng chưa có. Vậy nên hàng chục năm qua, di chỉ này vẫn chỉ tồn tại ở dạng trầm tích, địa phương bảo vệ hết sức sơ sài. Thậm chí khi được hỏi “Tại sao lại phá di tích?”, một cán bộ địa phương đã trả lời rất “ngây ngô” rằng: “Hàng chục năm nay may nhờ có chợ nên di tích mới được bảo vệ!”.

 

Về điều này, ông Thắng lý giải: “Xác định di chỉ khảo cổ thì lâu rồi. Cái lỗi của chúng ta là lẽ ra mình chưa có phương án bảo vệ tốt thì cũng phải nhanh chóng lập hồ sơ công nhận di tích. Từ trước tới nay nó mới chỉ là di tích được thám sát còn kết luận khoa học, rồi hồ sơ để công nhận di tích tạo cơ sở pháp lý mà khoanh vùng bảo vệ thì chưa làm. Do vậy mới giao cho xã. Xã thấy đất đai bỏ hoang không xây dựng gì cả nên xin phép xây chợ trên đó”.

 

Ông Thắng cũng biện minh việc Sở VH-TT Nghệ An chưa có phương án cụ thể bảo vệ di chỉ là do “lỗi khách quan”, vì “nếu có quyết định công nhận là di tích rồi thì ngay lập tức Sở sẽ có phương án tu bổ, tôn tạo, xác minh lại, còn bây giờ mình chỉ xem nó như là di tích mới được khảo sát” (!).

 

Cũng theo lời ông Thắng thì “Trên địa bàn Nghệ An có nhiều di tích, tuy nhiên không vì thế mà mình không quan tâm. Di chỉ khảo cổ có đặc điểm bảo tồn tôn tạo rất phức tạp, khó khăn đòi hỏi sự tốn kém về tiền nong… Bởi vậy mà hiện nhiều di chỉ đã được đào lên rồi tấp lại, nghĩa là nó đang nằm ở dạng trầm tích”.

 

Còn theo điều tra của PV Dân trí thì hiện Di chỉ văn hóa Cồn Điệp đã bị “chôn vùi” dưới lòng chợ. Sở VH-TT Nghệ An cũng vừa thành lập đoàn thẩm định để xác minh lại hồ sơ di chỉ Cồn Điệp trình UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh. Dự kiến khoảng cuối tháng 9 thì công đoạn thẩm định sẽ hoàn thành.

 

Đặng Nguyên Nghĩa