1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Người thổi sáo bằng mũi và cuộc đời tha hương

(Dân trí) - Ngày nào cũng mấy chục cây số cuốc bộ, ghé hết quán cà phê này đến quán ăn kia, người đàn ông có tài thổi sáo bằng mũi say mê trình diễn khả năng đặc biệt của mình. Tiếng sáo dặt dìu chứa chất nỗi lòng của một người xa quê.

Lê Trọng Độ là tên của người đàn ông có biệt tài đó. Không mấy ai sống trong con ngõ nhỏ hẹp sát nách bến xe Vinh (Nghệ An) còn nhớ ông cư ngụ ở đó từ bao giờ, chỉ biết tên ông, lâu rồi cũng chẳng gọi tên, mà gọi “người thổi sáo mũi”. 

 

Quê ông Độ sát ngay bờ biển xã Quảng Bình (huyện Quảng Xương, Thanh Hoá). Biển nơi nào mang lại sự no đủ cho con người chứ nơi đây chỉ có mưa bão, lao động nặng nề không đủ lo toan. Cuộc sống nghèo khó quê nhà khiến nhiều thanh niên như ông Độ dứt áo ra đi, vào Nam ra Bắc làm đủ việc chỉ mong được đổi đời. 

 

Nhưng ở nơi đất khách quê người kiếm cơm không phải dễ, hồi còn có sức thì không quản việc gì, bốc vác nơi bến xe bến tàu, làm cửu vạn đứng đường chờ người thuê mướn. Mấy chục năm tha hương nhìn lại chỉ vẫn đắp đổi qua ngày, đến khi sức tàn không làm được việc nặng nữa, muốn trở về nhưng quê nhà nhưng về rồi biết làm gì mà sống.

 

Lại ra đi, lần này thì đã qua cái tuổi 50, mưu sinh bằng một nghề mà từ thời trẻ ông chưa từng nghĩ tới: kiếm sống bằng tiếng sáo của mình. Những ngày còn nhỏ, ông Độ có biệt tài thổi sáo trúc giỏi đến nỗi bài nào chỉ nghe qua vài lần là thổi ngay được. Cả lúc xa quê đi đến đâu ông không quên mang bên mình cây sáo, nó là người bạn tâm tình những lúc nhớ quê nhà da diết, là giây phút thư thái tự thưởng cho mình sau những ngày mệt nhoài với công việc nặng nhọc. 

 

Đến miền đất nào ông cũng học hỏi được vài khúc nhạc, bao năm trôi qua giai điệu của mỗi vùng quê vẫn còn văng vẳng trong trí nhớ. Giây phút hoà theo điệu nhạc giúp ông quên đi cảnh sống nặng nhọc, dường như đang được tận hưởng trong một cảm hứng mới lạ. Những khúc nhạc có tác dụng giải trí năm nào giờ với ông đã trở thành ngón nghề mưu sinh trong những ngày tháng bên sườn dốc ở cái tuổi “xế chiều” của cuộc đời.

 

Ông quyết định mưu sinh bằng một nghề mà chính ông cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Nói đúng ra là từ trước, ông chỉ biết dùng miệng thổi sáo, nhưng càng về già, mỗi năm răng rụng một ít, miệng không lấy hơi được làm tiếng sáo cũng mất đi hồn vía. Cuộc đời nhiều khi thử thách con người, loay hoay không biết tiếp tục thế nào ông bỗng nảy ra sáng kiến dùng chính mũi mình để thổi. 

 

Khó khăn không nhỏ, việc lấy hơi, nén khí, ép cho khí vào lỗ mũi rỗi thở ra mạnh vào ống sáo. Nhưng tiếng sáo lúc đầu nghe lảnh lót chói tai, không ra âm điệu. Dần dà khi đã quen ông điều chỉnh được luồng đi của khí, độ mạnh nhẹ của mỗi lần hít vào thở ra. Tiếng sáo dần tròn tiếng âm vang trầm bổng, hay không thua tiếng sáo thuở nào.

 

Ngày ngày hai vợ chồng ông lang thang khắp thành phố Vinh, gặp đâu đông vui tụ tập nhiều người là sà vào biểu diễn. Đó cũng là một cách kiếm ăn đường phố.

 

Để trình diễn đầy đủ lệ bộ, có lúc ông vừa thổi sáo vừa hát. Ở cái tuổi 65 mà điệu bộ cách hát xem ra vẫn còn mùi mẫn lắm. Ngày càng có nhiều người yêu tiếng sáo đặc biệt của ông. Nhưng bây giờ sức khỏe không cho phép ông đi nhiều nữa. Ngày nào vợ chồng ông cũng miệt mài đi dọc những con đường trong TP Vinh.

 

Mấy chục năm xa quê hương, ngôi nhà vẫn là mái tranh xiêu vẹo, mà ngày nào cũng da diết nhớ quê, người đàn ông ấy chỉ còn biết trút tất cả vào tiếng sáo.

 

Nguyễn Duy