1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Người đi tìm hồn của đá

(Dân trí) - Công viên đá Ngọc Châu nép mình bên dòng sông Đại Nga hiền hoà chảy ngang qua Quốc lộ 20 thuộc xã Lộc Nga, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng. Chủ nhân của công viên đá độc nhất vô nhị đã được đưa vào kỷ lục Guiness Việt Nam hồi tháng 5/2005 này là anh Đinh Công Phương - một con người cả cuộc đời đam mê cùng đá.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, ngay từ khi còn rất trẻ, chàng thanh niên Công Phương đã hun đúc tình yêu nước và lòng căm thù giặc Mỹ sâu sắc. Sống trong vùng tạm chiếm, anh bị bắt vào quân dịch. Quyết không đội trời chung với giặc, anh tự dùng súng để bắn vào ngón tay cho đứt lìa. Và anh được giải ngũ.

 

Trở về Sài Gòn, tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều văn nghệ sĩ, trong anh bắt đầu nhen nhóm lòng yêu nghệ thuật. Đi đâu anh cũng bị những viên đá lấp lánh hút hồn. Sau mỗi chuyến đi, hành trang trở về của anh luôn là một ba lô chất nặng đá. Những viên đá đủ màu sắc, hình hài được anh nâng niu cất giữ hơn ngọc quý.

 

Mỗi năm, anh Phương dành vài tháng để đi lang thang tìm đá. Nghe tin ở đâu có đá đẹp, xa mấy anh cũng tìm đến xem, nếu đã ưng ý thì đắt mấy anh cũng mua. Anh tâm sự: “Đá cũng có linh hồn. Hồn của núi, của rừng, của sông suối tích tụ vào đá và tạo nên những hình thù như vậy. Đừng nghĩ đá là vật vô tri”.

 

Hiện, tại ngôi nhà trên đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM, anh dành trọn hai tầng để trưng bày những bộ sưu tập về đá, với đủ màu sắc, chủng loại và hình dáng. Mỗi viên đá đều gắn với một câu chuyện riêng, kỳ thú, có khi chứa đựng những yếu tố tâm linh, có khi gắn với lịch sử, con người,...

 

Như bộ sưu tầm đá “Hằng Nga” (có chú Cuội và gốc cây đa); “Sóng Thần”; những viên đá hình người, hình thú, hình Tiên, Phật, có hình trái tim rướm máu mà theo anh là “Trái tim của nhà sư Thích Quảng Đức, dù tự thiêu mình để phản đối chiến tranh nhưng trái tim ông vẫn nguyên vẹn tình yêu quê hương, đất nước... Và đặc biệt, gây xúc động hơn cả là những bộ sưu tập về tội ác chiến tranh ở Hiroshima (Nhật Bản); chất độc màu da cam (Việt Nam),...

 

Những hòn đá, với người bình thường chỉ là những viên đá vô tri, nhưng với anh lại là những số phận con người. Từng chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ sáng, chỗ rám,... trên viên đá đều được anh gắn với những thân phận con người. Mỗi khi ai đó động vào đá, lại thấy phát ra tiếng lộc cộc lanh canh… anh Phương nhận ra đó là tiếng khóc, tiếng cười của con người.

 

 

Người đi tìm hồn của đá - 1
 

Khu vườn đá Ngọc Châu rộng 5ha tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.

 

Rất nhiều những hòn đá tưởng như vô tri lại được anh thổi vào cái hồn, gắn vào nó những số phận, những câu chuyện, thời cuộc; và mỗi khi có dịp, anh lại say sưa kể những câu chuyện liên quan đến đá.

 

Mê đá từ thuở tóc còn để chỏm, năm nay dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng niềm đam mê còn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Chẳng thế mà anh thuyết phục được vợ con đồng ý bán đi cả gia sản ở trung tâm Sài Gòn để lên tận vùng núi Di Linh, Bảo Lộc lập nên khu vườn đá rộng 5 ha, lấy tên là Ngọc Châu. Dự định của anh là lập nên một bảo tàng đá để cho mọi người hiểu nhiều hơn về các loại đá quý ở Việt Nam.

 

Hiện nay, anh đang bỏ công sức để cải tạo vùng đất hoang này thành khu du lịch sinh thái, thành địa điểm tham quan nghỉ dưỡng, vườn thiền yoga. Và hơn thế nữa, đây là nơi để anh thoả chí với tình yêu đá…

 

Để có được một bộ sưu tập khổng lồ về đá và có được những thành quả hôm nay là cả một quá trình say mê tìm tòi gần suốt cả cuộc đời. Quả là “nghề chơi cũng lắm công phu”, nhưng trên hết đó là tình yêu quê hương, yêu từng mảnh đất khốn khó, chắt chiu cho đời những viên ngọc quý để hôm nay và mai sau con cháu được thưởng ngoạn, được chiêm ngưỡng những báu vật của thiên nhiên vốn ngàn năm vẫn ẩn sâu dưới lòng đất.    

 

Ngô Công Quang