1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Người dân vùng lũ đón Tết trong âu lo

(Dân trí) - Trong khi ở các vùng quê khác người dân đang tất bật du xuân đón tết, thì ở xã Tùng Lâm, Phú Sơn, Mai Lâm… huyện Tĩnh Gia người dân vẫn còn đó nhiều nỗi lo âu, bởi chỉ cách đây 2 tháng, nơi đây chỉ toàn là nước lũ…

Trong đợt lũ tháng 10/2013, toàn bộ khu vực phía nam Tĩnh Gia bị ngập lụt. Trong đó các xã Tùng Lâm, Tân Trường, Mai Lâm, Phú Sơn… bị nhấn chìm trong biển nước. Trong xã Tùng Lâm, hơn 200 hộ dân của thôn Thế Vinh bị nước lũ cô lập, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.

Trái ngược với không khí nhộn nhịp ngày cận Tết như ở các nơi khác, ở nơi đây hầu như nhà nào cũng đóng cửa đi làm hết, nhiều nơi còn ngổn ngang những vết tích của dòng nước đi qua. Từ chiếc giường bị trôi ra ngoài, đến những tường rào đã đổ sập người dân chưa có điều kiện để làm lại, hay cả những chiếc máy xay xát lúa hoen rỉ vẫn nằm chết dí một góc…

Nhiều đoạn tường rào bị đổ sập bởi nước lũ vẫn chưa được khắc phục.
Nhiều đoạn tường rào bị đổ sập bởi nước lũ vẫn chưa được khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng thôn Thế Vinh cho biết: “Bây giờ cuộc sống của mọi người cũng đã ổn định hơn rồi, nhưng cơ sở vật chất thì không biết bao giờ mới tu tạo lại được. Tết cũng đã cận kề, nhưng hầu hết người dân trong thôn đều đi làm xa chưa về, một phần vì họ muốn kiếm thêm tiền để lo tết, chứ bây giờ toàn bộ lúa gạo, lợn gà đều trôi hết rồi…”.

Theo như thống kê của ông Trung, thì trong đợt lũ người dân thôn Thế Vinh bị trôi mất 132 con lợn và hơn 5.000 con gia cầm. Một số hộ gia đình kinh doanh, do không vận chuyển kịp hàng hóa nên gần như bị trôi toàn bộ. Đợt lũ lại đúng vào dịp bà con đang trong quá trình thu hoạch lúa, gần như toàn bộ hoa màu lương thực cũng theo ra sông ra biển hết.

Anh Nguyễn Văn Ngọc, người dân thôn Thế Vinh cho hay: “Nhà tôi nằm ngay đầu con sông làng, mà lúc nước lên tôi lại đang đi làm, chỉ còn mỗi vợ ở nhà với hai đứa con nhỏ, thế là chỉ kịp ôm 2 đứa con chạy còn nhờ hàng xóm khiêng được cái tủ lạnh với ít hàng hóa, còn đâu là trôi hết. Mới đây tôi cũng phải vay mượn thêm để sửa sang lại quán, nhập thêm ít hàng về buôn bán. Tết đến rồi nhưng sức tiêu thụ cũng kém lắm, người dân trong thôn giờ làm gì có tiền đâu”.

Cùng tâm trạng với anh Ngọc, ông Nguyễn Khắc Mùi cho biết: “Mọi năm không có tiền thì bán gà, bán lợn đi lấy tiền sắm Tết, bây giờ gà với lợn cũng trôi hết rồi thì lấy gì mà sắm Tết bây giờ. Có chăng cũng chờ mấy đứa lớn nhà tôi nó đi làm về rồi mua sắm Tết. Mà không biết chúng nó có nhận được lương không nữa”.

Người ta nói, ngày Tết là ngày người người, nhà nhà tụ hợp quây quần bên nhau đón mùa xuân mới, dù có khó khăn đến mấy thì cũng phải cố gắng có mâm cỗ cúng gia tiên. Ngoài những cố gắng, nỗ lực của từng hộ gia đình, cùng nhau chung tay khắc phục những hậu quả của đợt lũ vừa qua. Tính từ trước đến nay ngoài đợt lũ năm 1989, thì đợt lũ tháng 10/2013 là gây thiệt hại nặng nề nhất đối với người dân nơi đây.

Năm nay người dân đi chợ sắm tết trong lo âu.
Năm nay người dân đi chợ sắm tết trong lo âu.

Đã cận Tết, nhưng nhìn nơi đây vẫn trống người qua lại, thanh niên trong thôn thì đi làm thuê kiếm thêm thu nhập, người ở nhà thì tiếp tục ra đồng cấy hái, gieo hi vọng mới. Ngay cả con đường vào thôn hiện nay cũng chỉ là những còn đường đất, đầy ổ gà. Trong khi các thôn, xã đã bê tông hóa xi măng đường làng ngõ xóm, thì người dân nơi đây vẫn gồng mình mưu sinh.

Như ông trưởng thôn Thế Vinh nói: “Ai cũng muốn có con đường đẹp để đi vào thôn, nhưng dân ở đây đã nghèo, lại thêm đợt lũ vừa rồi, bây giờ làm sao mà nỡ hô hào người dân đi đóng góp bây giờ, mà nếu có hô hào thì họ cũng chẳng có tiền mà đóng góp”.

Năm nay người dân đi chợ sắm tết trong lo âu.
Trong khi nhiều nơi người dân đi du xuân, thì nơi vùng lũ đi qua người dân nơi đây vẫn tất bật xống đồng cấy lúa “gieo hi vọng”.

Mọi năm, nhắc đến ngày cận tết thì người dân hô hào vui mừng, nhưng năm nay họ đón Tết có phần ảm đạm và lo âu. Không chỉ riêng người dân xã Tùng Lâm, người dân các xã khác như: Mai Lâm, Phúc Sơn, Trúc Lâm cũng đón cái Tết thiếu thốn. Họ cũng chẳng dám mơ ước mâm cao, cỗ đầy, họ chỉ mong có một cái tết có cái bánh chưng, con gà thắp hương cúng gia tiên.

Trong khi người dân khắp nơi trên cả nước đang hối hả sắm Tết, thì nơi vùng lũ đi qua, người dân nơi đây vẫn tất bật xuống đồng cấy lúa, họ vẫn mong sang năm mới Giáp Ngọ sẽ gặp may mắn hơn, làm ăn suc túc hơn và nhất là ít thiên tai hơn.

Thanh Thủy - Giang Nguyễn