1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  3. TPHCM vào mùa mưa

Nghề quản tượng ở bản Đôn

(Dân trí) - Nhọc nhằn và không kém phần nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn gắn bó với nghề quản tượng, hàng ngày cưỡi voi đưa khách vượt sông Sêrêpôk để khám phá nét tiềm ẩn giữa đại ngàn Tây Nguyên…

Trời hanh khô, con đường dẫn lên bản Đôn (Buôn Ma Thuật) quánh đặc bụi đỏ từ những chiếc xe chở vật tư vào nương cà phê xa tít tắp. Nét hoang sơ giữa đại ngàn hùng vĩ càng trở nên “đặc quánh” hơn, khi chiếc xe cà khổ của chúng tôi tìm về đất du lịch bản Đôn.

Ở bản Đôn, điểm du lịch này đã thu hút khách xa bằng những sản phẩm từ rừng núi, đó là sừng khô, đá mài, măng, mật ong, và thú vị hơn cả là cưỡi voi thăm rừng già.

Jonny, một khách du lịch đến từ nước Anh hào hứng với điểm đến mới. Qua phiên dịch, anh nói nhất quyết phải vào Tây Nguyên để được cưỡi voi rừng. Và hôm nay, điều mà anh mong ước đã thành hiện thực. Trên con voi nặng xấp xỉ một tấn, nhóm khách ba người của Jonny nhiều lần mặt mày tái xám bởi những bước đi bất ngờ của chú voi già.

Đến bản Đôn phải cưỡi voi mới biết hương vị từ núi rừng. Chúng tôi cũng đăng ký cuộc hành trình vượt dòng Sêrêpôk với người quản tượng già tên Y Mây. Cuộc hành trình bắt đầu bằng những bước chân gập ghềnh của chú voi gần mười năm tuổi.

Dọc đường đi, những điểm bán mía đã trở thành điểm ngắm của loại voi rừng háu ăn. Nhiều lần khách du lịch phát hoảng bởi những cú “vồ” bất ngờ khi voi bất chợt nhìn thấy mía. Dù tin tưởng vào tài điều khiển của quản tượng, nhưng chúng tôi cũng phải rút túi mua cây mía bán ven đường làm “lộ phí” cho voi.

Đang lưng chừng đồi, quản tượng đột nhiên hướng con voi lao xuống dòng sông Sêrêpốk chảy ngược. Thế nhưng, cả thân hình đồ sộ của nó bám chặt từng thớ đất, thả mình nhẹ nhàng xuống dòng nước đục chảy êm ru.

Y Mây không nói nhiều, chiếc gậy có gắn đinh sắt nhọn hoắt luôn tay được người quản tượng chọc vào tai con voi già mỗi khi đi sai hướng. Người quản tượng bắt đầu để ý đến câu chuyện của chúng tôi, ông nói số voi “làm du lịch” ở bản Đôn chủ yếu được bắt về từ rừng, sau đó được thuần hoá và đưa vào du lịch.

Cũng theo Y Mây, ở Tây Nguyên có rất nhiều người làm nghề quản tượng. Ông nói, đó là thứ nghề “dễ kiếm ăn nhưng lại rất nguy hiểm”. Riêng ở bản Đôn, đội quân này có khoảng chục người, họ là những tay săn voi kỳ cựu và rất lành nghề. Khi voi rừng đang nhiều, tháng nào cũng có voi rừng được người bản địa dẫn về bản.

Quản tượng kỳ cựu nhất ở Bản Đôn đã sống hơn nửa thế kỷ, “nhưng cũng có nhiều quản tượng trẻ lắm”, Y Mây nói. Một trong những quản tượng đó là Y Thái. Cậu bé có nước da đen nhẻm này vào nghề được bốn năm nay, khi cậu đang học lớp bảy thì bỏ dở.

Nhiều khách du lịch cũng muốn thử cảm giác làm quản tượng, nhưng đề nghị đó lập tức bị những người “trong ngành” từ chối. Lý do, trong nhiều trường hợp voi chỉ quen hơi người điều khiển nó, nếu người lạ cưỡi lên đầu và có “những động tác” lạ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu voi được thuần hoá quay sang tấn công con người bằng chính bản năng hoang dã của nó…

Gặp nhiều quản tượng, nét da của ai cũng đen nhẻm, cháy nắng. Suốt ngày cưỡi trên lưng voi, có những thời điểm khách du lịch đăng ký quá đông, quản tượng không bao giờ được rời khỏi lưng voi mà buộc lòng điều khiển những chú voi rừng thuần hoá nhằm thoả mãn nhu cầu khách.

Khó và khổ, nhưng có nhiều lý do để người con dân bản gắn với nghề quản tượng. Làm nghề này không giàu, chỉ suốt ngày ăn sương và nằm gió, nhưng theo như Y Mây, nó đã ngấm vào máu, bỏ nghề thì nhớ lắm. Với lại, chỉ có những người sống gần núi rừng mới hiểu được tập tính của voi, điều khiển nó theo ý thích của mình.

Một cán bộ làm du lịch ở bản Đôn nói, ai vào Tây Nguyên, vào bản Đôn mà chưa cưỡi voi là xem như chưa đến đất này. Và những người làm nên hương vị của núi rừng, tạo nên cảm giác khác lạ cho khách du lịch, không ai khác là những quản tượng yêu nghề, lành tính.

Trần Minh Tuấn