Ngậm ngùi Tết ở "làng... không chồng"

(Dân trí) - Đạp lên lời dị nghị “làng không chồng mà chửa” xưa kia, những phụ nữ làng Lòi âm thầm sống, âm thầm nuôi con khôn lớn. Vậy nhưng những ngày Tết đến Xuân về, đồng hành với họ vẫn chỉ là những buồn tủi, cô độc và thiếu thốn.

Cựu nữ dân quân Nguyễn Thị Lưu sửa soạn bàn thờ cúng tổ tiên.
Cựu nữ dân quân Nguyễn Thị Lưu sửa soạn bàn thờ cúng tổ tiên.

Khi không khí Tết rộn rã khắp mọi ngã đường thì ở “làng Lòi”, mọi việc vẫn bình lặng trôi qua. “Làng Lòi” giờ đã được mang tên khác, xóm 6, xã Viên Thành, Yên Thành, Nghệ An, như một cách để người ta quên đi những đau đớn, tủi nhục của 30 phận người phụ nữ bước ra khỏi chiến tranh. Họ - những thanh niên xung phong, dân quân địa phương đã góp tuổi xuân của mình để bảo vệ nền độc lập thống nhất thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiến tranh qua đi, trở về khi đã quá lứa lỡ thì, không thể kiếm cho mình một tấm chồng, những nữ TNXP này đã “bạo gan” xin một đứa con để nương tựa khi tuổi già. Cũng có người có chồng, có con nhưng rồi phải chịu phụ bạc, thui thủi nuôi con một mình trong khó khăn, thiếu thốn và cơ cực đủ bề. 30 phụ nữ, 30 cảnh đời đã quy tụ về ngôi làng này với cái tên nghe đến xót xa - làng Lòi.

Khi sự nhìn nhận của xã hội chưa được cởi mở như bây giờ, những người phụ nữ nơi đây phải chịu không ít dị nghị, điều tiếng với cảnh “không chồng mà chửa” hay làm mẹ đơn thân. Đạp qua dư luận, họ đã sống, dù phải đối mặt với rất nhiều bão giông để nuôi con khôn lớn. Vậy nhưng, khi những đứa con trưởng thành, chúng lại đi xa. Để lại những người mẹ già thui thủi với cái Tết cô độc, buồn tủi.

Căn nhà khang trang của cựu TNXP Nguyễn Thị Truyền. 
Căn nhà khang trang của cựu TNXP Nguyễn Thị Truyền. 

May mắn nhất trong số những người phụ nữ làng Lòi chúng tôi đến thăm có lẽ là cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Truyền. Khi biết trong mình có một mầm sống, bà đã viết đơn xin ra khỏi Đảng. Một mình nuôi con, vất vả, khổ cực không biết nói sao cho hết. Người con trai duy nhất lấy vợ, bà có thêm niềm vui mới. Giờ đã lên chức bà nội, xây được căn nhà khang trang, nhiều người mừng cho bà.

28 Tết, người con trai vẫn đang mải miết mưu sinh bên Hà Tĩnh. Bà Truyền bắc nồi nấu rượu, chuẩn bị nếp, lá dong, thịt lợn chuẩn bị gói bánh. Năm nay gia đình bà gói 1 yến nếp. Mọi thứ cũng đã chuẩn bị tươm tất. Nhìn 2 đứa cháu nhỏ chạy nhảy trong ngôi nhà bằng lát gạch men, con mắt sáng còn lại của bà lấp lánh niềm vui, một niềm vui nhỏ nhoi đã được đánh đổi bằng rất nhiều sự can đảm cũng như những đắng cay cuộc đời.

29 Tết, căn nhà nhỏ 2 gian của bà Nguyễn Thị Lưu vẫn lặng lẽ. Nếu không nhìn lên chiếc bàn thờ với dăm gói bánh, đĩa quả, tôi tưởng như Tết còn ở đâu đó, xa lắm. Tham gia lực lượng dân quân xã, đã từng có chồng nhưng người chồng phụ bạc đã bỏ bà khi 2 con còn đỏ hỏn. Đã từng trải qua những ngày đói lay lắt ngay cả khi Tết hay những ngày làm việc cực nhọc để tối về ngả nón lấy 2 cân gạo về nuôi con tưởng rằng cuối đời, bà sẽ có được cuộc sống đủ đầy, thanh thản. Thế nhưng, đến giờ này, khi cái Tết đã đến gần, bà vẫn thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ xíu.

Tết bà vẫn thui thủi một mình bởi 2 con gái lấy chồng xa không về được.
Tết bà vẫn thui thủi một mình bởi 2 con gái lấy chồng xa không về được.

“Cố lắm cũng chỉ nuôi 2 đứa con học đến cấp 2. Nhà nghèo, chúng đi làm ăn xa rồi sinh con đẻ cái. Lo cho các con cái ăn, cái mặc, ngày Tết chúng cũng chẳng về được với mẹ. Một mình tôi, Tết nhất cũng chẳng gói bánh chưng, có gói cũng chẳng ăn đến. Ăn một mình, nuốt không trôi… Tết, người ta sum họp, còn mình thì vẫn thui thủi một mình…”, bà nén tiếng thở dài ngóng ra cửa. Ngóng vậy thôi bởi bà biết các con không về.

Cách nhà bà Lưu không xa là nhà bà Nguyễn Thị Nhan - nguyên trung đội trưởng trung đội dân quân. Ngôi nhà ọp ẹp tựa hồ có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Trong nhà, ngoài mấy bó hương trầm, túi hoa quả mới xách về thì dường như không thấy Tết hiện diện nơi đây.

“Tôi may mắn hơn là được hộ nghèo, Tết được chính quyền cho 5 cân gạo, mấy trăm nghìn đồng. Ngày Tết, chỉ thấy tủi thân hơn khi có con mà vẫn chỉ có một mình”, bà Nhan kể. Ngày Tết, khi người ta sum họp, bà lại chạnh lòng khi nghĩ tới mình. Đã từng có gia đình đúng nghĩa nhưng người đàn ông ấy đã bỏ bà với đứa con gái nhỏ để lấy người phụ nữ khác.

Với bà Nguyễn Thị Nhan, ngày Tết thấy mình cô độc hơn bao giờ hết.
Với bà Nguyễn Thị Nhan, ngày Tết thấy mình cô độc hơn bao giờ hết.

Bà đánh liều “xin” được đứa con trai. Con gái gả chồng, thành người nhà chồng rồi, bao nhiêu hi vọng của bà dồn vào đứa con trai, dồn hết vốn liếng cho con xuất khẩu lao động. Anh con trai làm ăn thất bát, quyết ở lại kiếm đủ tiền trả nợ, làm nhà mới về. Thành ra, ngày Tết, vẫn chỉ có bà với căn nhà cũ nát. Tết, chỉ thấy thêm xót lòng hơn…

Làng Lòi ngày cuối năm, ngỡ như Tết còn như xa lắm!

Hoàng Lam