1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Lý do Bắc Giang quy hoạch nhiều sân golf

Nhóm PV

(Dân trí) - Theo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với 13 sân golf.

Thời gian qua, một số ý kiến băn khoăn liệu Bắc Giang có quy hoạch quá nhiều sân golf trên địa bàn hay không? Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, cho biết quy hoạch nêu trên hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật và nhu cầu thực tiễn.

Lý do Bắc Giang quy hoạch nhiều sân golf - 1

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang (Ảnh: Tiến Tuấn).

Theo ông Dương Văn Thái, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định mục tiêu là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, bền vững cả về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Như vậy quy hoạch sân golf chỉ là một trong rất nhiều vấn đề được đề cập trong quy hoạch của tỉnh nhằm góp phần phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Cụ thể, để trở thành trung tâm golf của cả nước và thúc đẩy sản phẩm du lịch này, Bắc Giang quy hoạch đến năm 2030 toàn tỉnh có 13 sân golf. Hầu hết sân golf bố trí quy hoạch trong và gần vùng trọng điểm kinh tế, các khu du lịch của tỉnh, thuận tiện cho việc di chuyển.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nêu 5 lý do tỉnh quy hoạch 13 sân golf.

Thứ nhất, đặc điểm địa hình của Bắc Giang là miền núi và có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, tất cả các sân golf đều được quy hoạch ở vị trí trung du đồi núi (đa phần đang trồng cây ăn quả với giá trị kinh tế thấp), tuyệt đối không sử dụng đất lúa, nghĩa là đủ điều kiện để làm sân golf theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, sau quá trình thu hút đầu tư, hiện số lượng nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh rất nhiều, với khoảng hơn 10.000 chuyên gia; Bắc Ninh là tỉnh nhỏ bên cạnh Bắc Giang, không có sân golf và cũng có khoảng hơn 10.000 chuyên gia nước ngoài đang làm việc trên địa bàn. Như vậy, hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hiện có gần 30.000 chuyên gia nước ngoài, họ rất cần dịch vụ sân golf, nhất là vào cuối tuần.

Ngoài ra, với lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Bắc Giang cũng có thể phát triển sân golf để đón các "golf tour" từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thứ ba, về quy hoạch thì có thể khẳng định sân golf chính là đất để dành, là đất dự trữ. Chúng ta cho nhà đầu tư thuê 50 năm và đất sân golf trong tương lai có thể chuyển đổi thành đất khu công nghiệp, khu đô thị.

"Khi Bắc Giang làm quy hoạch thì Việt Nam có chưa đến 50 sân golf, hiện nay chưa đến 80 sân golf, trong khi các nước trong khu vực và ở châu Á có thể có hàng trăm sân golf. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và nói rằng với điều kiện thuận lợi, Bắc Giang có thể trở thành thủ phủ golf của Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi được biết hiện nay đã có tỉnh quy hoạch số sân golf trên địa bàn nhiều hơn Bắc Giang", ông Dương Văn Thái nói.

Thứ tư, có ý kiến lo ngại vấn đề môi trường khi phát triển nhiều sân golf, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định công nghệ hiện nay đã khắc phục được vấn đề này. Thực tế có những nước phát triển ở châu Âu rất nhiều sân golf song không ảnh hưởng đến môi trường.

Thứ năm, phát triển sân golf giải quyết được rất nhiều lao động, trung bình một sân golf khoảng 500 người, cho thu nhập cao hơn so với làm ruộng hay trồng cây ăn quả. "Ví dụ, một sân golf rộng 100 ha chỉ gồm mấy quả đồi, nếu để làm nông nghiệp thì chỉ được vài hộ gia đình trồng cây ăn quả, mỗi năm cho vài chục triệu đồng. Nhưng một sân golf giải quyết 500 lao động, tạo môi trường thu hút đầu tư rất tốt, các nhà đầu tư nước ngoài bao giờ vào cũng hỏi ở đây có sân golf không?", ông Thái nói thêm.

Để góp phần phát triển dịch vụ du lịch, đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang phấn đấu xây dựng 13 sân golf gồm:

  • Sân golf và dịch vụ Yên Dũng tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng 189,95 ha;
  • Khu sân golf Việt Yên tại các xã Hương Mai và Trung Sơn, huyện Việt Yên 140 ha;
  • Khu sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại các xã Chu Điện, Khám Lạng và Yên Sơn, huyện Lục Nam 140 ha;
  • Sân golf Khuôn Thần tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn 81,5 ha;
  • Sân golf Nham Biền, tại các xã Tân Liễu, Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Tân Tiến, Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang (bố trí 2 sân golf, diện tích 335,15 ha);
  • Sân golf Hố Cao tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang 75,38 ha;
  • Sân golf Hồ suối Nứa tại xã Đông Hưng, huyện Lục Nam 80,5 ha;
  • Sân golf Yên Thế tại Xã Tiến Thắng, xã Tam Tiến Yên Thế 180 ha;
  • Sân golf và khu nghỉ dưỡng Tân Yên tại Xã Liên Chung, Việt Lập huyện Tân Yên 145 ha;
  • Sân golf Yên Hà tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng và xã Vân Trung, huyện Việt Yên 145 ha;
  • Sân golf Lục Nam tại xã Cương Sơn, Nghĩa Phương, huyện Lục Nam 150 ha;
  • Sân golf Sơn Động ở TT Tây Yên Tử- Sơn Động diện tích khoảng 180 ha.