1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đà Nẵng:

Lao đao vì cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân

(Dân trí) - Nhiều ngày nay, người nuôi cá lồng ở khu vực vịnh Mân Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lao đao vì cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Những loại cá có giá trị kinh tế như cá mú, cá hồng, cá dìa… chết trắng lồng và bốc mùi hôi thối. Những người nuôi cá phải dùng vợt múc cá chết bỏ vào bao, đưa vào bờ chôn.

Anh Trần Văn Nữa với những con cá mú to bị chết
Anh Trần Văn Nữa với những con cá mú to bị chết

Anh Huỳnh Bá Nam (người dân nuôi cá ở vịnh Mân Quang), cho biết: “Từ mấy năm trở lại đây, năm nào cũng có tình trạng cá chết nhưng năm nay gia đình tôi thiệt hại nặng nhất. Tôi hiện có 3 bè cá, mỗi bè có 9 lồng cá nhưng mấy ngày nay lồng nào cá cũng chết với số lượng hơn 1 nửa, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng”.

Tại bè nuôi cá của anh Trần Văn Nữa (phường Mân Thái) từ đêm ngày 9/7 đến nay, anh đã phải vớt cá chết nhiều lần nhưng xác cá vẫn tiếp tục nổi lên trắng bè và bắt đầu dạt vào ven bờ vịnh, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.

Anh Nữa cho hay, gia đình anh có 3 bè (gồm 36 lồng) với số lượng 9.000 con cá diêu hồng, mú, dìa, khế… vốn đầu tư từ 500-600 triệu đồng/bè. Vậy mà mấy bữa nay cá chuẩn bị được thu hoạch thì lại bị chết trắng, phải vớt đem đi chôn.

Rất nhiều hộ nuôi cá với hàng chục lồng ở khu vực này đều chung cảnh ngộ tương tự. Người dân cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi các nhà máy ở Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang thải ra.
 
Cá chết dạt vào bờ khu vực vịnh Mân Quang
Cá chết dạt vào bờ khu vực vịnh Mân Quang

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn An - Phó chủ tịch UBND Phường Thọ Quang - cho biết có nghe phản ánh của người dân khu vực vịnh Mân Quang về tình trạng cá chết hàng loạt. Sau đó, cán bộ của phường có đến hiện trường kiểm tra và xác định thiệt hại của người dân.

Cũng theo lãnh đạo địa phương, do khu vực này quy hoạch cho mục đích khác nên địa phương cấm không cho họ nuôi. Năm 2012, UBND phường đã tiến hành cưỡng chế, song người dân lấy lý do không có việc làm nên phải nuôi và họ cam kết sẽ di chuyển nơi khác khi thành phố thu hồi để thực hiện quy hoạch. UBND phường cũng đã nhiều lần vận động các hộ dân không nên nuôi thủy sản tại đây vì nguồn nước ô nhiễm song người dân vẫn cố tình nuôi.

Sau khi người dân phản ảnh, đại diện Chi cục Thủy sản và Chi cục Thú y Đà Nẵng đã cử cán bộ đến ghi nhận thực tế và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân khiến cá nuôi của các hộ dân ở đây bị chết hàng loạt.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân khiến cá chết rất có thể là do nguồn nước nuôi cá tại khu vực này chưa đảm bảo. Sau khi kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu nước tại lồng nuôi để xét nghiệm, tìm nguyên nhân.

C.Bính - T.An