1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỳ lạ ba suối “cá thần” ở Thanh Hoá

(Dân trí) - Lại một suối “cá thần” nữa vừa được phát hiện tại huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Như vậy đến nay, tại Thanh Hoá đã có ba suối “cá thần” được phát hiện (1 suối ở Bá Thước, 2 suối ở Cẩm Thủy) và cả ba đều có những nét tương đồng rất kỳ lạ.

Một suối “cá thần” mới được phát hiện tại địa bàn sinh sống của người dân tộc  Thái ở thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Đây là suối “cá thần” thứ ba được phát hiện trên địa bàn tỉnh.

 

Người dân trong thôn cho biết suối cá đã có từ rất lâu đời, không ai dám đánh bắt vì họ cho rằng đây là “cá thần”. Đàn cá ở đây rất đông với đầy đủ kích cỡ, con lớn nặng từ 4 - 5kg, con nhỏ chừng 400g. Người dân đã lập bàn thờ trong hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10m để thờ thần cá. 

 
Kỳ lạ ba suối “cá thần” ở Thanh Hoá  - 1

Suối "cá thần" thứ nhất.

Được biết, suối cá này là nơi cung cấp nguồn nước chính cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong thôn, vì vậy thôn đã xây đập chắn ngang suối, vừa là để giữ cá ở lại vừa là để cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

 

Hàng ngày, người dân nơi đây và những du khách gần xa vẫn thường hay đến thăm suối và mang thức ăn cho cá.

 

Từ thành phố Thanh Hoá đi dọc theo quốc lộ 217 khoảng 70 km là đến huyện Cẩm Thuỷ, nơi phát hiện hai suối “cá thần”, một ở làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương; một ở thôn Dùng, xã Cẩm Liên.

 

Tiếp tục chuyến hành trình theo quốc lộ 217, đi khoảng 20 km nữa là tới huyện Bá Thước, nơi mới phát hiện suối “cá thần” thứ ba.

 

Suối cá thứ hai và thứ ba do mới được phát hiện, chưa được đầu tư phát triển nên đường đi còn gập ghềnh, chưa thuận tiện cho du khách vào thăm.

 

Nét tương đồng giữa ba suối cá

 

Khi được hỏi về lịch sử tồn tại và phát triển của các suối cá này, người dân địa phương không một ai hay biết. Ngay cả người cao tuổi nhất làng khi được hỏi cũng trả lời: “Tôi sinh ra thì đã có suối cá rồi. Các cụ thân sinh ra tôi cũng không hề biết suối cá có từ bao giờ”. 

 

Chính vì không biết chính xác lịch sử của suối cá nên luôn có những câu chuyện thần thoại ly kỳ, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của người dân trong vùng, gắn liền với các suối cá. Những câu chuyện ấy nhằm giải thích về sự xuất hiện của suối “cá thần”, mang đậm giá trị tâm linh.
 
Kỳ lạ ba suối “cá thần” ở Thanh Hoá  - 2
 
Kỳ lạ ba suối “cá thần” ở Thanh Hoá  - 3
Suối "cá thần" thứ 2 và thứ 3 do mới được phát hiện nên còn hoang sơ, chưa được đầu tư phát triển về du lịch.

 

Ba suối cá đều là con suối tự nhiên chứ không phải do con người tạo ra. Các suối cá này đều nằm dưới chân một ngon núi cao, phía trong là một hang ngầm, là nơi để đàn cá vào nghỉ ngơi. Cửa hang rất hẹp, chỉ đủ cho đàn cá ra vào. Không một ai biết trong lòng hang rộng hẹp thế nào và bắt nguồn từ đâu? Liệu trong hang có con cá “hàng khủng” nào trú ngụ không?

 

Phía trên các suối cá đều có một hang động rất đẹp, nhân dân trong vùng coi đó là nơi ở của “thần cá”. Ở suối cá thứ nhất là Động Đăng, ở suối cá thứ hai là Động Nghỉ Mát (vì động này là nơi rất nhiều người dân trong vùng lên nghỉ mát vào những ngày hè) và ở suối cá thứ ba là Động Cá Thần (trong hang động này người dân lập bàn thờ để thờ “thần cá”).  

 

Đàn cá ở cả ba suối cá là cùng loài với nhau, người dân trong vùng đều coi đó là loại “cá thần”, không một ai đánh bắt hay ăn thịt. Họ coi đàn cá như vị thần luôn phù hộ, giúp dân làng có cuộc sống ấm no.

 

Từ sự tương đồng của ba suối “cá thần” này, nhân dân trong vùng đặt câu hỏi: Ba suối cá này có mối liên hệ gì với nhau hay không? Liệu có thêm suối “cá thần” thứ tư ở Thanh Hóa? Điều kiện môi trường ở những nơi đó như thế nào để có thể sản sinh ra đàn cá đông đúc như vậy? Những dấu hỏi trên rất cần câu trả lời thỏa đáng từ các nhà nghiên cứu.

 

Lục Văn