1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Bản Rục sau ngày lũ:

Kỳ 3: Đốm sáng giữa rừng sâu

(Dân trí) - Trên những lớp học rẻo cao đất Thượng Hóa, bọn trẻ nheo nhóc của bản nghèo người Rục, Sách mắt dõi lên bảng cùng đồng thanh học chữ. Nhìn ánh mắt mở to khát khao của lũ trẻ trước những con chữ được các thầy giáo vượt núi đèo hiểm trở “cõng lên” cũng đủ thấy ấm lòng.

Rộn ràng cái chữ

 

Giữa bầu trời âm u như muốn trút tiếp những cơn mưa nặng hạt xuống miền Thượng Hóa, bỏ mặc đoàn xe cứu trợ lên với các bản nghèo Mò o ồ ồ, Ón và Yên Hợp, chúng tôi theo chân các em nhỏ người Rục, người Sách đến với những lớp học đặc biệt giữa núi rừng.

 

Ngôi trường gồm hai dãy, phía bên trái được làm bằng gỗ, phía bên phải đựơc xây khá kiên cố Với tôi, đây là một ngôi trường đặc biệt, đặc biệt cả cấu trúc và chính những con người đang học, đang dạy ở đó, như ông Trưởng bản Cao Xuân Nhạc gọi nó là ngôi  trường của tình thương.

 

14h chiều, ngôi trường nằm lạc lõng giữa rừng sâu đã rộn ràng tiếng trọ trẹ học chữ của các em nhỏ. Thầy hiệu trưởng Đinh Minh Tiến dẫn chúng tôi vào các lớp đang học. Quả là một điều đặc biệt chưa từng thấy, chỉ có 4 học sinh nhưng lớp học của thầy Đinh Xuân Liêm vẫn diễn ra bình thường.

 

“Bạn Hà trồng được 9 cây, bạn Tuấn trồng được 15 cây, hỏi hai bạn trồng được bao nhiêu cây?” - trong căn phòng nhỏ, thầy giáo Liêm đang hướng dẫn học sinh của mình làm bài toán về phép cộng. Dưới dãy bàn trống, 4 học sinh cắm cúi làm bài tập. Những bàn tay được đưa ra, đếm đếm. Chưa đủ lại đếm. Chưa hiểu, thầy Liêm lại đi từng vòng, từng em để chỉ bày. 5 con người thôi nhưng căn phòng vẫn có sức học rất đặc biệt.

 

Kỳ 3: Đốm sáng giữa rừng sâu - 1
 Dù chỉ có 4 học sinh tói lớp, nhưng thầy trò Đinh Xuân Liêm vẫn hăng say với tiết học.

  

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến Cao Xuân Nhàn, 10 tuổi. Em là học sinh nhanh nhẹn, thông minh nhất trong lớp. Nhàn bỏ tập viết ngay ngắn trên bàn rồi chú ý lời thầy giảng. Thầy vừa ra câu hỏi xong, Nhàn đi ngay vào bài tập. Không hiểu Nhàn lại mạnh dạn giơ tay, đứng lên hỏi thầy từng câu.

 

Tôi xin phép thầy Liêm được trò chuyện với Nhàn. Em đứng dậy, hai tay vòng lên trước ngực, ánh mắc sáng long lanh, trả lời ước mơ của em sau này: “Cháu muốn trở thành thầy giáo”. Câu nói của Nhàn ánh lên giữa bản làng vốn chỉ biết khoai, sắn, ngô khiến ai cũng cảm động.

 

Ngay sát lớp thầy Liêm, lớp học chữ cũng đang diễn ra. “Ê… đ…ê… đê. “Ê… đ…ê… đê”. Mặc cho những người lạ mặt xuất hiện tại phóng, cả lớp học hơn chục em vẫn chăm chú nhìn lên bảng, đồng thanh đọc theo bạn lớp trưởng. Nhìn các em chăm chú học chữ sao mà khao khát thế!

 

“Gieo chữ từ tình thương”

 

Ngôi trường tiểu học ở bản Rục, Sách có 14 giáo viên, và đó là cả 14 con người đặc biệt, họ là giáo viên theo đúng nghĩa nhưng cũng là những người bố của trẻ em các bản nghèo này. Với các em ở bản Rục có đủ lý do để không đến trường: đói, nghèo, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn… Đôi lúc chỉ cần trời mưa, các em cũng nghỉ luôn ở nhà, vì thế phải bắt đầu từ những cuộc vận động đưa các em đến lớp học. Đôi dép của các thầy đã mòn, hoàn cảnh nhà nào các thầy cũng đã rõ vì những chuyến đi vận động các em đến học chữ.

 

Thầy Tiến cho biết, mỗi năm một em được cấp 17 cuốn vở, bút viết theo dự án cho vùng nghèo khó, nhưng do ý thức của gia đình nên có những hôm học các em không có vở để viết. Lúc đó lại phải chạy vạy lo sách, vở cho các em.

 

Thầy giáo Đinh Xuân Liêm kể lại rằng, “các em đến lớp rồi mà không có bút để viết, áo cũng không có để mặc. Vì thế không ít lần các thầy phải bỏ tiền túi mua cho em này cái bút, em kia quyển vở, có thầy mang áo quần mà con mình đã chật đi cho các em để có áo quần mặc đến trường”.

 

Kỳ 3: Đốm sáng giữa rừng sâu - 2
 Cao Xuân Nhàn đang nỗ lực để trở thành thầy giáo trong nay mai.

 

Tình thương của các thầy dành cho dân bản còn thể hiện qua chặng đường vượt núi, vượt đèo vào bản hàng ngày. Có lẽ ở Thượng Hóa xăng dầu là thứ đắt đỏ nhất. Mỗi lít xăng cho “con ngựa sắt” “uống” ở ngoài UBND xã thường dao động từ 13 ngàn đồng, còn trong các bản Mò o ồ ồ, ón, Yên Hợp là 20 ngàn đồng. Trung bình mỗi lần vào bản, “con ngựa sắt” của các thầy phải “uống” hết một lít xăng. Tính nguyên mỗi tháng, tiền xăng xe vào bản coi như mất gần nguyên tiền lương hàng tháng. Mà con đường vào bản đâu phải dễ dàng, chỉ một chút sẩy chân, chỉ một chút đen đủi coi như lao vào vách núi, xuống vực sâu.

 

Khó khăn thì khó kể hết nhưng phụ cấp lại không hơn giáo viên ở miền xuôi, nhưng hình như trong suốt cuộc trò chuyện không nghe các thầy nói nhiều về nó. Và lại càng dễ hiểu, phần lớn các thầy đang cõng chữ lên đồi, có thầy đã bám trụ được 20 năm vẫn nghèo và nghèo. “Không có tình thương thì có lẽ phụ cấp lớn đến mấy chắc cũng không có giáo viên nào lên bản đâu anh à” - thầy Tiến nói.

 

Biết chữ là hành phúc rồi, nhưng…

 

Chúng tôi đã chứng kiến và nghe những lời tâm sự rất thật của các thầy về niềm hạnh phúc khi các em của các bản đã biết đọc, nhưng cũng cánh cánh nỗi lòng về những con số buồn.

 

“Trung bình mỗi năm trường chỉ có từ 3 đến 5 em xuống học nội trú ở dưới xuôi. Nhưng rồi, nhớ nhà và không quen sống ở dưới xuôi các em cũng bỏ về hết. Năm học này cũng thế, hôm trước đưa 5 em xuống, hôm sau đã thấy tất cả lô nhô đi bẻ bắp đầu núi rồi” - thầy Tiến nói vói chúng tôi.

 

Đó cũng là trăn trở vì sao ở các Mò o ồ ồ, Ón, và Yên Hợp hiện không có một em nào theo học các lớp phổ thông ở miền xuôi.

 

Chiều xuống bản Ón, nhìn chiến sỹ biên phòng Trần Xuân Lĩnh - người duy nhất ở đồng bào Rục học nhiều trường ở miền xuôi, hiện là chiến sỹ biên phòng tại bản - đang hướng dẫn người dân trồng ngô. Nhớ lại những tâm sự của các thầy giáo ở đây, chúng tôi nghĩ nếu bản Rục có nhiều thanh niên đem được ánh sáng của bình minh về bản như Lĩnh thì bản Rục không nghèo không khó như bây giờ!

 

Minh San - Văn Dũng

 

Phóng sự “Bản Rục sau lũ”:

Kỳ 1: Tả tơi sau lũ

Kỳ 2: Nỗi niềm bản Rục

Kỳ 3: Đốm sáng giữa rừng sâu