1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Huế:

Khai thác đất đá gây sạt lở núi nghiêm trọng

(Dân trí) - Cuối năm 2007, sau những trận mưa bão kéo dài, ngọn núi Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tiếp tục đứt gãy, sụt lún và sạt lở nghiêm trọng.

Người dân thôn Phú Gia đang rất lo lắng, nhất là thời điểm mùa mưa bão đang đến gần. Núi lở ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và thậm chí là tính mạng của người dân.

 

Ông Võ Văn Minh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Phú Lộc, cho biết: Những năm 90, nhằm xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép các đơn vị thi công đường Cảng Chân Mây khai thác đất đá ở khu vực núi Phú Gia làm đường công vụ và hệ thống đường giao thông.

 

Do muốn đẩy nhanh tiến độ nên việc khai thác đất, đá được “thả nổi”, khai thác tập trung ở phần chân núi; nhiều đơn vị thi công sau khi khai thác xong không chịu “hoàn thổ” trước khi trả lại mặt bằng, trong khi núi cao và có độ dốc lớn nên cuối năm 1999 đã xảy ra một đợt sạt lở lớn, nhiều hộ dân ở dưới chân núi đã phải di dời nhà cửa đi nơi khác. Việc khai thác đất, đá tại đây bị ngưng lại.

 

Sau đó, có rất nhiều vụ sạt lở đất, đá nhỏ xảy ra liên tiếp nhưng sự việc trên không được chính quyền xã Lộc Tiến báo cáo lại với huyện.

 

Bà Phan Thị Hoa, một hộ dân sống sát chân núi Phú Gia, cho biết, mấy năm trước gia đình trồng được hơn 3ha cây bạch đàn, keo lai trên ngọn núi này nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 2ha. Mỗi lần mưa xuống, cả nhà cùng nhau ra đào đất, đắp mương chặn dòng chảy của đất, đá.

 

Trước đây có đợt mưa lớn, đất đá lăn xuống đã làm sập một căn nhà của anh Nguyễn Tiến Tú, cả nhà phải chui vào sạp gỗ đựng thóc gạo để trốn và đã được chính quyền xã Lộc Tiến bố trí nơi ở mới cách xa chỗ ở cũ hơn 500m.

 

Ông Vương Đình Cẩm, Bí thư Đảng uỷ xã Lộc Tiến, cho biết: Hiện có khoảng trên 10.000m3 đất, đá đang có nguy cơ sạt lở nếu tiếp tục có 1 trận mưa lớn xảy ra. Cả thôn Phú Gia có hơn 180 hộ dân nhưng trước mắt có 4 hộ dân ở sát chân núi đang bị đe dọa đến tính mạng.

 

Ông Minh cho biết thêm, huyện đã lên phương án là tranh thủ lấy đất trong mùa nắng và đào đường mương bao quanh núi để cản dòng chảy của đất, đá sạt lở xuống nhà dân, nhưng còn chờ kinh phí của tỉnh.

 

Anh Sơn