"Hồi sinh" làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách "nói không" với túi nilon

Hương Thảo

(Dân trí) - Những chiếc làn làm bằng cỏ bàng mộc mạc, giản dị vốn ít được sử dụng thì nay đã "theo chân" nhiều người đến các cửa hàng, siêu thị.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Thùy Dung (sống ở Hà Nội) khiến cha mẹ và bạn bè ngỡ ngàng khi không "đầu quân" cho các công ty, thay vào đó đi… bán làn cỏ.

Trái ngược với sự nghi hoặc của mọi người, trong 1 năm qua, Dung đã bán được 15.000 chiếc làn cho khách hàng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ vậy, những chiếc làn cỏ từng bị "lãng quên" đã xuất hiện trong cuộc sống thường nhật.

Hồi sinh làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách nói không với túi nilon - 1
Thùy Dung bên những chiếc làn cỏ mộc mạc và đơn sơ.

Những chiếc làn cỏ do Thùy Dung làm ra được bện từ cỏ bàng - loại cỏ dân dã có ở khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Cỏ bàng còn được gọi là bàng hoặc cói bàng, mọc tự nhiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cỏ có thân dưới cứng, dạng ống, nằm ngang trong bùn. Thân thẳng đứng cao khoảng 1 - 1,5 m và có hoa màu nâu ở phần ngọn. Đây là loại nguyên liệu để người dân miền Tây bện thành những món đồ dùng sinh hoạt gia đình, trong đó có túi đựng hoặc làn.

Hồi sinh làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách nói không với túi nilon - 2
Thùy Dung tại làng nghề làm làn cỏ truyền thống.

Năm 2020, sau khi tốt nghiệp đại học, Dung dành một năm để trải nghiệm cuộc sống. Trên hành trình "chu du bốn bể", Dung có một vật bất ly thân là chiếc làn cỏ. Đây là món quà cô gái này được tặng từ trước đó. Dung mang nó đi khắp nơi và đựng đồ khi mua hàng, "nói không" với túi nilon.

"Từ khi là sinh viên năm 2, tôi đã làm quen với cuộc sống không túi nilon, hạn chế rác thải nhựa. Tôi mang làn đi chợ, đi siêu thị… Tôi còn tự mang chai nước cá nhân khi ra ngoài, dùng hộp trữ đồ khi đi mua thực phẩm…", Dung chia sẻ.

Trong hành trình 1 năm trải nghiệm, Dung chợt nảy ra ý tưởng lan tỏa sống xanh bằng cách dùng làn cỏ. Sau đó, Dung đặt mua 1000 chiếc làn cỏ từ làng nghề Tân Phước (Tiền Giang) mang về Hà Nội bán thử.

Hồi sinh làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách nói không với túi nilon - 3
Dung quyết định khởi nghiệp với những chiếc làn cỏ.

Tháng 5/2020, Dung và một người bạn thân mở bán làn cỏ trên mạng. Cô gái trẻ xây dựng và phát triển một trang Facebook về nội dung sống xanh. Nội dung của trang rất gần gũi, kể các câu chuyện bình dị với mọi người và cách sử dụng những chiếc làn trong cuộc sống.

Theo lời tâm sự của Dung, giá bán mỗi chiếc làn 40.000 đồng. Với mức giá đó, cô lời lãi chẳng được bao nhiêu khi phải chi trả cho tiền vận chuyển hàng ngàn cây số.

"Doanh thu của tôi lúc đó chỉ là nụ cười ưng ý của khách hàng hay đơn giản là cảm thấy nhen nhóm được ý thức về sống xanh đến ai đó", Dung bộc bạch.

Hồi sinh làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách nói không với túi nilon - 4
Làn cỏ được sản xuất tại Tiền Giang. mỗi người thợ lành nghề có thể bện được 3 - 5 chiếc làn mỗi ngày, tùy vào mẫu mã, kích cỡ.
Hồi sinh làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách nói không với túi nilon - 5
Những sản phẩm của Dung ngày càng có mẫu mã bắt mắt với nhiều công dụng.

"Trải qua thời gian đầu khó khăn, hiện nay dự án đã mang về cho tôi nguồn lợi nhuận đủ để duy trì và tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình kinh doanh", Dung cho biết.

Cô gái trẻ còn đang ấp ủ kế hoạch phát triển thêm những mẫu làn mới, bắt mắt để xuất khẩu hoặc bán cho khách du lịch quốc tế.

Hồi sinh làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách nói không với túi nilon - 6
Những chiếc làn nhỏ và đơn sơ song đằng sau là thông điệp hướng đến cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường.

Chinh phục những khách hàng khó tính nhất

Theo lời Dung, những chiếc làn cỏ loại bé có thể đựng 5-8kg đồ đạc, còn loại to có thể chứa cả chục kg. Nếu giữ cẩn thận, làn có thể sử dụng được 1 năm hoặc lâu hơn. Bên cạnh đó, loại làn này dễ phân hủy, không gây hại cho môi trường.

Cô gái trẻ cho rằng, việc bán những chiếc làn cỏ không chỉ đơn giản là tạo ra mẫu mã đẹp, bắt mắt, chất lượng sử dụng tốt… mà phải góp phần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của khách hàng.

Dung không "tham vọng" thay đổi được thói quen của tất cả mọi người, song cô muốn bắt đầu từ những người thân trong gia đình.

Hồi sinh làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách nói không với túi nilon - 7
Những chiếc làn cỏ dần trở thành vật dụng quen thuộc với gia đình Dung.

Ngoài ra, Dung không ngần ngại đi xin vỏ hộp cơm, đồ uống của mọi người để mang về trồng cây. Mỗi khi đi cà phê với bạn bè, cô gái này giữ thói quen dùng thìa thay vì ống hút.

Trên trang Facebook của dự án, Dung cũng trích tiền bán làn để làm quà tổ chức cuộc thi. Ví dụ, một cuộc thi cô từng tổ chức đã giúp mọi người cùng nhau chia sẻ câu chuyện đi chợ của mình để lan tỏa thông điệp giảm thiểu túi nilon.

Hồi sinh làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách nói không với túi nilon - 8
Rất nhiều khách hàng của Dung đã dần hình thành thói quen mang hộp để đựng thực phẩm và dùng làn cỏ khi đi chợ.
Hồi sinh làn cỏ để đi chợ, cô gái lan tỏa cách nói không với túi nilon - 9
Hiện, mỗi ngày, cô gái 23 tuổi nhỏ nhắn với nụ cười thân thiện vẫn cầm những chiếc làn đi khắp nơi. Dung đang tiếp tục con đường "hồi sinh" làn cỏ, góp phần thay thế túi nilon và lan tỏa cách sống xanh đến mọi người.