1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hoa giấy, tranh dân gian Huế “hồi sinh” đón Tết

(Dân trí) - Những ngày cận Tết Tân Mão, những làng nghề truyền thống ở Huế đang “chạy đua” làm hàng phục vụ cho năm mới. Một thực tế đáng mừng là năm nay mặt hàng hoa giấy, tranh dân gian bán rất chạy.

Hoa giấy Thanh Tiên “hồi sinh”

 

Ngôi làng đầu tiên chúng tôi ghé thăm là làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang). Làng đã hơn 300 năm tuổi với “đặc sản” hoa giấy (chuyên thờ trên bàn thờ) không nơi nào có được đang tấp nập làm hàng đón tết.
 
Hoa giấy, tranh dân gian Huế “hồi sinh” đón Tết - 1
Làm hoa giấy cần đôi tay khéo léo của người thợ
 

Cứ vào khoảng tháng 9-10 âm lịch hằng năm, người làm hoa giấy Thanh Tiên bắt đầu chọn những cây tre tốt trong làng đem chẻ nhỏ, vót mỏng phơi khô làm cuống hoa, sau đó đem tẩm phẩm màu.

 

Hoa giấy chủ yếu được làm thủ công. Các công đoạn từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh, nhụy hoa… đều bằng đôi tay khéo léo của người thợ. Công đoạn cuối cùng là tạo nếp nhăn trên hoa, tạo sự sống động cho cánh và kết lại thành từng cành, mỗi cành 9-10 bông.

 

Hoa giấy đẹp không kém hoa tươi, giá cả lại khá rẻ, thường mỗi cành 2.500-3.000đ, riêng sen giấy có giá 7.000-10.000đ/bông. Có bông sen được thợ sáng tạo lắp thêm đèn điện bên trong trông rất bắt mắt.

 

Trong ngôi nhà ông Nguyễn Hóa (51 tuổi), vợ và các con dâu rể đang tỉ mỉ kết từng cánh hoa giấy. Ông Hóa hơn 30 năm làm nghề của ông cha để lại. Ông cho hay mấy năm nay hoa giấy đã có khách nhiều hơn nên bà con có việc làm đều hơn.
 
Hoa giấy, tranh dân gian Huế “hồi sinh” đón Tết - 2
Bình hoa sen giấy được trang trí thêm đèn điện trông rất bắt mắt

 

“Sở dĩ năm nay làng hoa giấy Thanh Tiên “được mùa” là nhờ sự hồi sinh của sen giấy. Có một thời gian hoa giấy không được chuộng vì hoa nhựa hay hoa nylon của Trung Quốc, Thái Lan tràn lan với giá rẻ và bắt mắt. Từ ngày hoa sen giấy của làng xuất hiện, nhiều người dân Huế trẻ đã ưa thích hoa giấy hơn”.

 

Công lớn này thuộc về nghệ nhân Thân Văn Huy, người trong làng này được xác lập kỷ lục “Người đầu tiên phục hồi hoa sen bằng giấy”. Cũng từ đây sen giấy Thanh Tiên được “hồi sinh” trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến. Nhiều nhà kinh doanh tìm đến đặt hàng để xuất khẩu, du khách nước ngoài về tìm mua.

 

Tranh dân gian làng Sình đắt khách

 

Trong ngôi nhà ở thôn Lại Ân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) đang bừa bộn nào khuôn in tranh, giấy, mực bà Đinh Thị A (56 tuổi) và các con không nghỉ trưa tranh thủ tô tranh cho kịp hàng. Người in người tô màu tạo nên không khí nhộn nhịp ngày cuối năm.

 

“Cả năm khoảng 2-3 tháng cuối năm là nhiều việc nên mình phải tranh thủ làm cho kịp hàng. Mức sống mỗi người một cao nên người sống báo hiếu ông bà tổ tiên cũng khác. Tranh làng Sình dành cúng cho ông bà, thần đất, thần nhà ngày càng phổ biến, các ngày lễ tết họ mua về cúng rồi đốt. Phú quý sinh lễ nghĩa mà” - bà A cười nói.

 

Đặc biệt, nhiều em nhỏ đang còn học nhưng cũng tranh thủ thời gian nghỉ học tranh thủ sang tô màu thuê cho bà A, kiếm tiền mua áo mới.
 
Hoa giấy, tranh dân gian Huế “hồi sinh” đón Tết - 3
Sau buổi học, Huy tô tranh thuê cũng kiếm được 7-8 ngàn đồng/ngày góp tiền mua áo Tết

 

“Em học buổi sáng nên sang bà vẽ tranh, kiếm ngày mấy ngàn lấy tiền mua áo tết” - Phan Văn Huy, học sinh lớp 6 trường THCS Phú Mậu cho biết.

 

Nghệ  nhân Kỳ Hữu Phước – người gắn bó qua bao thế hệ với tranh Sình cho biết “tranh làng Sình là một dòng tranh dân gian Việt Nam, được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế với mục đích cúng lễ. Tranh làng Sình khác với tranh ở những nơi khác bởi chức năng duy nhất là phục vụ thờ cúng, cúng xong là đốt để cầu may mắn.

 

Tranh làng sình có nhiều bộ như: bộ Thế mạng, Bổn mạng, Gia dụng… mỗi bộ có 42 mẫu. Giá mỗi bộ khoảng 50 ngàn đồng. Màu tranh thường làm theo 5 màu chủ đạo: Xanh, đỏ, vàng, cam, tím tượng trưng cho Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ theo tín ngưỡng của Phương Đông và người dân xứ Huế”.

 

Theo nghệ  nhân Phước, tranh làng Sình làm theo truyền thống đòi hỏi người thợ có nhiều kỹ thuật công phu. Ngoài ra, giấy in tranh là giấy mộc quét điệp, màu sắc được tạo từ chất liệu tự nhiên, như: sò điệp, cây cỏ, hoa trái, kim loại... Màu chủ yếu trên tranh làng Sình là xanh dương, vàng, đỏ, đen, lục. Mỗi màu này có thể trộn với hồ điệp hoặc tô riêng; khi tô riêng phải trộn với keo nấu bằng da trâu tươi... Để làm được một bức tranh cần phải có bí kíp riêng của mỗi gia đình.
 
Hoa giấy, tranh dân gian Huế “hồi sinh” đón Tết - 4
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước điêu luyện trong từng nét vẽ

 

Thực tế nhiều năm qua, người mua tranh ngày càng ít đi, tuy nhiên Tết năm nay chưa bao giờ dân làng Sình lại vui vì bán tranh rất được với nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn. Theo dân ở đây, có lẽ do báo chí đã liên tục về viết bài cho làng tranh vốn đang có nguy cơ mai một và biến mất khiến cho người mua để ý hơn, từ đó tranh đã bán chạy hơn.

 

Đại Dương - Doãn Công