Hiệp định Paris - Đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam

Thành Đạt

(Dân trí) - Hiệp định Paris năm 1973 là đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam, là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Hiệp định Paris - Đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam - 1

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo sáng 16/1 (Ảnh: Thu Phương).

Sáng ngày 16/1 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm".

Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, những nhân chứng lịch sử trao đổi sâu về Hiệp định Paris năm 1973, làm rõ giá trị bước ngoặt của sự kiện này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hội thảo cũng nhằm nhìn lại các bài học lớn rút ra từ mốc son chói lọi này của ngoại giao Việt Nam và ý nghĩa của các bài học đó với sự nghiệp đối ngoại của đất nước hiện nay.

Tham dự hội thảo có khoảng 350 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; các nhân chứng lịch sử, đại diện thành viên hai đoàn đàm phán, các cán bộ lão thành; các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu và trường đại học.

Phát biểu khai mạc và dẫn đề tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo trong năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ đạo hội thảo tập trung làm rõ ý nghĩa to lớn của Hiệp định Paris đối với tiến trình cách mạng Việt Nam, đúc rút và chắt lọc những bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong tình hình mới.

Hiệp định Paris - Đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam - 2

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN)

Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết tại Paris, Pháp, mở ra bước ngoặt trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hiệp định Paris là đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Đây là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của các lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, tạo cục diện mới để đi đến thắng lợi cuối cùng. Từ điểm tựa chiến lược của Hiệp định Paris, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý giá. Đó là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc, bài học về quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài học sâu sắc về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bài học về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.

"Ôn lại tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định Paris 50 năm về trước để định hướng tương lai, chúng ta quyết tâm vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột gồm đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Hiệp định Paris - Đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam - 3

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học với chủ đề "50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm" (Ảnh: Thu Phương).

Trình bày tham luận tại phiên khai mạc, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng công tác tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi của Hiệp định Paris khi hiệu triệu tinh thần dân tộc ở cả miền Nam tiền tuyến thành đồng và miền Bắc hậu phương xã hội chủ nghĩa. Công tác thông tin tuyên truyền song hành với đối ngoại nhân dân đã làm sáng tỏ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến cứu nước, thúc đẩy hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam và phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh.

Thảo luận về ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết, thi hành Hiệp định Paris, các đại biểu nhất trí khẳng định thắng lợi của Hiệp định Paris là kết quả của sự vận dụng nhuần nhuyễn và xuyên suốt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đánh dấu sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam hiện đại. Đỉnh cao của quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Paris là sự phối hợp linh hoạt, sáng tạo và biện chứng giữa ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, tạo nên thế trận "vừa đánh, vừa đàm". Hiệp định Paris cũng là kết tinh của sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hiệp định Paris đã tạo ra bước ngoặt về cục diện và tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Việt Nam, tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước vào năm 1975.

Cuộc đàm phán Paris để lại nhiều bài học quý báu cho các thế hệ hôm nay. Trong đó quan trọng hơn cả là việc kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm cơ sở cho đường lối và quyết sách; bài học về sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc làm nòng cốt, chủ động, sáng tạo trong đấu tranh ngoại giao để tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và xu hướng tiến bộ trên thế giới. Trong tình hình thế giới biến động phức tạp hiện nay, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, tài đức vẹn toàn, phấn đấu vì lợi ích quốc gia - dân tộc, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn là nhiệm vụ hết sức cần thiết.

Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định Hiệp định Paris là minh chứng lịch sử sống động cho khát vọng hòa bình và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, là tiền đề quan trọng của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn 35 năm qua. Những bài học quý báu từ cuộc đàm phán lịch sử này vẫn còn vẹn nguyên giá trị và cần được vận dụng hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, thực hiện kỷ cương vượt mọi thách thức, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập môi trường hòa bình, ổn định phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế của đất nước trong giai đoạn mới.

Qua hai phiên thảo luận với nhiều ý kiến sâu sắc, Hội thảo đã thực sự làm sống lại một mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, được tổ chức thành công trước thềm xuân Quý Mão 2023.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tháng 5/1968, Hội nghị Paris chính thức diễn ra, "đánh dấu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao", tạo cục diện "vừa đánh, vừa đàm". Cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris đã diễn ra đầy cam go, phức tạp, "kéo dài gần 5 năm, với 202 phiên công khai, 36 phiên gặp riêng bí mật, với 500 cuộc họp báo và 1000 cuộc phỏng vấn, đàm phán". Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn Henry Kissinger ký tắt. Ngày 27/1/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức.