1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hiểm hoạ lơ lửng trên đỉnh đèo Hải Vân

Để nâng cao năng lực thông tàu qua đèo Hải Vân, Tổng công ty Đường sắt VN đã đầu tư trên 20 tỉ đồng xây dựng ga đỉnh đèo Hải Vân. Công trình đưa vào sử dụng tháng 12/2004 thì chỉ đến 4/2005 hạng mục chống sạt lở tại ga này đã sụt trượt và hư hỏng nghiêm trọng đe doạ nhà ga và hành khách trên các chuyến tàu qua đây.

Hàng chục ngàn hành khách trên hành trình đường sắt Bắc-Nam qua đèo Hải Vân mỗi ngày không khỏi "ớn lạnh" khi nhìn lên taluy dương - đoạn qua ga đỉnh đèo, mái dốc dựng đứng ngổn ngang vật liệu xây dựng, cùng với đất đá mới sụt trượt. Cả mảng núi lở toang hoác, bày ra những tảng đá trơ chân, có thể đổ nhào xuống nhà ga và đường sắt bất cứ lúc nào.

 

Đúng là hậu quả của bão lũ số 8 vừa gây ra, song trở lại vấn đề sụt trượt tại ga đỉnh đèo Hải Vân, có thể thấy nguyên nhân không chỉ tại thiên tai. Tháng 4/2005, giữa tiết xuân êm đềm thì tại đây, sụt trượt đã xảy ra đến mức báo động. Công trình mới khánh thành lập tức trở lại hiện trạng công trường với ngổn ngang vật liệu, cọc sắt, rào chắn đất đá...

 

Tất nhiên, kinh phí bổ sung cho dự án là hàng tỉ đồng. Lúc đó, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 2 (Tổng Cty Đường sắt VN) chủ đầu tư dự án - ông Trần Đình Quyền - cho biết: Công trình khắc phục sẽ triển khai cuối tháng 4, dự kiến đến 10/2005 xong. Nhưng đến nay, ngoài những rọ đá lộ thiên được chồng chất trên mái taluy, hiện trường vẫn nguyên trạng sạt lở như trước đây.

 

Trao đổi với chúng tôi hôm 10/11, ông Quyền đã "dời" thời hạn hoàn thành đến 15/12/2005. Ông cho biết: "Hạng mục này do Cty công trình đường sắt (đóng tại Hà Nội) thực hiện. Chúng tôi không thể lường hết được thời tiết và kết cấu bất ổn định của các tầng địa chất nơi đây. Vừa rồi, ban đã mời Viện Khoa học và Công nghệ khảo sát, thẩm định, đã có 2-3 thứ trưởng bộ GTVT đến hiện trường khảo sát, chỉ đạo phải sớm hoàn tất".

 

Cái sạt lở trước chưa khắc phục xong, sụt trượt do mưa bão của năm sau đã chồng lên. Nguyên nhân bị "đổ lỗi" cho tầng địa chất bất ổn, thiên tai khốc liệt. Vậy trước khi triển khai công trình, các đơn vị liên quan có khảo sát, thiết kế, dự lường các tác động khách quan này?

 

Ông Trần Đình Quyền trả lời: "Không chỉ ngành đường sắt, mà đường bộ như đèo Hải Vân, đường Hồ Chí Minh... cũng lâm tình trạng sụt trượt như vậy. Trường hợp bất khả kháng mà!".

 

Chỉ có điều rõ nhất là kinh phí bổ sung công trình tại ga đỉnh đèo Hải Vân đã "đội" lên và sẽ tiếp tục "đội" lên... Hiện tại, nguy cơ đá rơi, sụt trượt lấp đường... đe doạ sự an toàn của hành khách trên những chuyến tàu qua đây vẫn treo lơ lửng trên mái núi Hải Vân!   

 

Theo Thanh Hải
Lao Động