1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Háo hức chờ khánh thành cầu Cần Thơ

(Dân trí) - Chỉ còn ít tiếng nữa cầu Cần Thơ - cây cầu có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á sẽ chính thức được khánh thành. Chiếc cầu là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam và hơn hết là sự mong đợi người dân hai bên đầu cầu Cần Thơ - Vĩnh Long.

Sau 5 năm chờ đợi, giờ khắc lịch sử cũng đến, người dân Cần Thơ - Vĩnh Long có những cảm xúc khác nhau và rất khó tả khi nói về sự kiện trọng đại này. 

 

Ông Thành - nhà ở đường Hai Bà Trưng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - vui vẻ cho biết: “Sáng nào tôi cũng xuống đây tập thể dục, đặc biệt là từ khi bắt đầu xây cầu Cần Thơ, tôi không bỏ buổi nào, trừ những hôm bệnh thôi. Sáng xuống đây đi vài vòng rồi đứng đây nhìn cầu Cần Thơ. Tôi nhìn từ lúc hai trụ cầu chưa nhú lên rồi từ từ nhú lên cao. Bắt đầu có 1, 2 sợi dây văng, nhịp chính từ từ dài ra rồi hợp long và cho đến hôm nay chiếc cầu đã hoàn thành. Tôi thật sự thấy vui lắm, nếu như còn sức ngày mai tôi cũng leo lên cầu cho thỏa dạ”.
 
Háo hức chờ khánh thành cầu Cần Thơ - 1
Đường dẫn lên cầu Cần Thơ được trang trí cờ hoa để chờ giờ khắc cắt băng khánh thành.

 

Cũng như ông Thành, nhiều người dân tập thể dục ở bến Ninh Kiều đều có chung một tâm trạng: hồi hộp chờ đợi “ngày mai”.

 

Chúng tôi đi xuống công viên sông Hậu (nơi ngắm cầu Cần Thơ lý tưởng vào buổi sáng), nơi thường ngày có đến 100 - 200 người ra tập thể dục. Một người đàn ông bày tỏ cảm xúc: “Tôi nhìn chiếc cầu hoài mà như chưa tin là sự thật. Hồi đó mỗi lần đi qua con sông này có khi đánh đổi cả tính mạng (xưa ông là trinh sát). Bây giờ thì vui rồi, ngày mai thì có thể chạy xe bon bon trên cầu, khỏi phải chờ đợi chen lấn mỗi khi lên phà”.

 

Xuống phà để qua bờ Vĩnh Long, trong lúc đợi phà cặp bến, chúng tôi trò chuyện với Thuyền trưởng Nguyễn Văn Năm của phà J.100. Ông Năm chia sẻ: “Chúng tôi còn cầm lái được vài ngày nữa thôi là phải xa bến phà này rồi. Nghĩ cũng hơi buồn nhưng phải hy sinh vì có cầu để giao thông đi lại thuận tiện hơn, ĐBSCL mình mới phát triển được chứ”.

 

Đặt chân lên bờ Vĩnh Long, chúng tôi đến xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh), nơi từng có sự cố sập nhịp dẫn cầu đau buồn cách đây 3 năm. Không khí háo hức chờ đợi cây cầu cũng lan từ đầu ngõ đến cuối xóm. Anh Bình vừa uống cà phê dưới chân cầu Cái Vồn vừa chia sẻ: “Tụi tôi đang bàn để tìm cách lên cầu đây. Vì chắc chắn người đi xem sẽ đông hơn hồi cầu Mỹ Thuận. Mấy ngày qua cũng chạy lên chạy xuống để coi thử nhịp chính nó dài như thế nào nhưng mấy anh bảo vệ chưa cho lên, sốt ruột quá”.
 
Háo hức chờ khánh thành cầu Cần Thơ - 2
Đông đảo người dân tập trung trước điểm thu phí để được ngắm trước cầu Cần Thơ

 

Khác với tâm trạng vui vẻ của anh Bình, bà Lê Thị Dung, người mẹ có 2 con tử  nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007, ngậm ngùi: “Ngày mai cầu khánh thành, anh em làm chung với hai đứa nó chắc vui lắm, tôi cũng định làm bữa cơm cho tụi nó coi như ăn mừng cầu đã hoàn thành”.

 

Cây cầu Cần Thơ mấy ngày nay là chủ đề chính trong mọi câu chuyện ở các quán cà phê, quán ăn, bến xe, bến phà,… Người lớn tuổi nhắc lại chuyện ngày xưa từng khó khăn thế nào mỗi khi qua sông, rồi tỏ vẻ tiếc nuối vì không còn “đủ sức” leo lên cầu vào ngày mai. Các bạn trẻ thì hào hứng với những kế hoạch dành trọn ngày mai để đi lên cầu ngắm xuống ruộng đồng, dòng sông cho thỏa thích.

 

Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang sáng 23/4, nhiều du khách tới tham dự Hội chợ triển lãm trái cây cũng cho biết sẽ xuống Cần Thơ để xem sự kiện khánh thành cây cầu nổi danh này. 

 

Cùng với việc khánh thành cầu Cần Thơ, chiều 24/4, tại Bến Tre cũng sẽ tổ chức khánh thành cầu Hàm Luông. Cầu Hàm Luông khởi công vào tháng 1/2007. Cầu nằm trên Quốc lộ 60, tổng công trình cầu dài 8,2km, trong đó 2 đường dẫn dài hơn 6km. Cầu được xây dựng cách bến phà Hàm Luông hơn 2km về phía thượng lưu. Cầu Hàm Luông có tổng mức đầu tư hơn 787 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đây được xem là một trong những cây cầu có nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng với khẩu độ rộng 150m lớn nhất Việt Nam.

 

Huỳnh Hải - Ngô Nguyễn