1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Lâm Đồng:

Hàng trăm trang trại lợn kêu cứu

Dịch bệnh lở mồm long móng đã khiến tiếng kêu của nửa triệu con lợn của vùng trang trại chăn nuôi lớn nhất Tây Nguyên trở nên thất thanh, thảm thiết. Xác lợn vứt đầy đường, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc...

Thảm cảnh

 

Vùng Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, trong 15 năm qua, hàng trăm trang trại chăn nuôi lợn đã ra đời. Vùng này trở thành xứ lợn, một biểu tượng của chăn nuôi trang trại, lớn nhất Tây Nguyên. Liên Hiệp cung cấp lợn thịt, lợn siêu nạc, lợn cao sản... không chỉ cho thành phố du lịch Đà Lạt, mà đưa về tận TPHCM, Biên Hòa, các hãng đồ hộp. Còn lợn con giống thì Liên Hiệp cung cấp cho nhiều vùng thôn quê khác ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông...  

 

Nhưng thảm cảnh đã xảy ra khi dịch bệnh lở mồm long móng càn quét qua xứ này. “Buổi sáng cho ăn vẫn còn thấy đàn lợn phơi phới, lợn con bám vào lợn mẹ giành bú, đùa giỡn; ai ngờ chiều về đùng một cái chúng ngã ra chết hàng loạt”, chị Nguyễn Thị Xuân An, thôn An Hiệp, xã Liên Hiệp, kể.

 

Những con lợn lớn thì không chết ngay mà tuột móng và rụng dần, nằm lăn ra, máu ở chân đổ be bét dưới nền... Không đầy một tuần, dịch bệnh đã “quét sạch” trại lợn của chị.

 

Chủ một trang trại lợn có “quân số” đến cả nghìn con ở thôn An Hiệp I, xã Liên Hiệp, anh Võ Hiền nói: “Đúng là một cuộc tàn sát, làm sụp đổ, kiệt quệ hết rồi”. Trang trại lợn của anh đã phải đào một lúc ba hầm giếng thật to và sâu, cứ thế mỗi ngày vứt xác lợn rồi đổ xăng nổi lửa thiêu đốt lợn bệnh, mỗi lần 25-50 con. 

 

Có trang trại đã phải chất đốt trong hai ngày với 300 con như thế. Nông dân Nguyễn Hữu Đôn ở thôn An Ninh, xã Liên Hiệp, chỉ trại lợn nay đã trống trơn, rồi cười trong đớn đau khi nhìn hai con lợn nái cuối cùng (lợn nái già đề kháng khá hơn lợn còn nhỏ) đang chờ chết.

 

Theo một người dân, “chết dăm ba con còn chôn, ở đây lợn chết đếm bằng số trăm, số nghìn, số vạn... sức người đâu đào chôn xuể”.

 

Ở vùng Cư Xá, Liên Hiệp, nông dân rã rời không muốn nhắc đến lợn nữa. Có gia đình thì đang ngồi lo người ta đến xiết nợ, số khác bắt đầu tính đến chuyện đi làm thuê kiếm sống.

 

Ước tính số lợn ở Liên Hiệp phải ở con số không dưới nửa triệu con. Hoảng loạn trước dịch bệnh quái ác khiến nhiều trang trại nháo nhào chen nhau, chầu chực ở các quầy thú y tư nhân từ 6h đến 23h để mua bất cứ thứ thuốc gì khả dĩ cứu lợn. Giờ chuồng trại nào cũng đều thấy trống trơn, tiếng lợn mỗi ngày thưa dần...

 

Phần lớn trong số trên 3.000 hộ dân ở đây đều “cậy nhờ” ngân hàng để phát triển nghề chăn nuôi lợn, mà nghe đâu dư nợ đã lên đến cả trăm tỉ đồng.

 

“Thả câu” giữa mùa dịch

 

Giữa lúc người nuôi lợn đang chìm trong bể khổ thì đội quân cò lợn, lái lợn tụ về từ Đà Lạt, Bảo Lộc, Đồng Nai, Bình Thuận và cả Sài Gòn nữa... Họ luôn miệng “giúp” bà con bằng cách khuyến khích “mau mà bán cho lẹ chứ để Nhà nước cấm vận chuyển thì chỉ còn nước... đem chôn tất”.

 

Mỗi ngày có 30-50 xe tải mang biển số nhiều vùng trên cả nước đổ về Liên Hiệp mua lợn. Từ đó, lợn mắc bệnh ít thành bệnh nhiều, chưa long móng thì “cò” nói mãi cũng... long móng; trại nào bệnh chưa nhiễm cũng hóa tràn bệnh. Cả làng đua nhau bán, cuống cuồng, nháo nhào.

 

Chị Nga, chủ một trang trại lợn lớn ở thôn An Bình, thở than: "Bình thường tôi bán heo cân ký, nay họ mua theo... mớ: nhìn con heo chừng 50kg họ ra giá 50.000 hay 100.000 đồng; con heo nái trị giá 3-6 triệu đồng, người ta nói 500.000-1 triệu đồng thôi".

 

Nhìn những trang trại xác xơ ở Liên Hiệp những ngày này mới hay người nông dân nuôi lợn vẫn đơn độc, lần mò kỹ thuật chuồng trại, săn tìm con giống, đến chăn nuôi, thức ăn, chữa trị bệnh, tiêu thụ thịt, rồi chống chọi với dịch. Nhiều chủ trại lợn nói, từ dạo dịch bệnh lan tràn, họ chỉ chạy qua chạy lại “khóc cho... nhau nghe” mà thôi, chưa hề “được” đón tiếp ông quan tỉnh, quan huyện, hay quan viên thú y nào.

 

Và trên vô tuyến địa phương, tối tối họ lại nghe phát đi những mệnh lệnh lạnh lùng của chính quyền tỉnh rằng: “Hãy đốt lợn mắc dịch chết. Diệt trùng, khử trùng... Cấm vận chuyển lợn...”, chứ chưa nghe được lời nào có những từ như “hỗ trợ”, “chia sẻ” với cảnh khốn cùng của người chăn nuôi lợn.

 

Theo Nguyễn Hàng Tình

Tuổi Trẻ