1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Hãi hùng nhìn sông “nuốt” đất, nhà

(Dân trí) - Mấy năm nay, nhiều hộ dân sống bên bờ sông Gâm, gần chân đập thủy điện Na Hang, luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bởi sau một đợt đập xả nước, đất của họ lại trôi mất một phần, nhà của họ lại xuất hiện những vết nứt...

Trước là vườn, nay là… lòng sông 

Từ năm 2007, nhà máy thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) với dung tích hồ chứa hơn 2.200 tỷ mét khối nước, đi vào hoạt động. Một trong những chức năng chính của đập thủy điện là điều hòa lượng nước và xả lũ giúp người dân thoát nỗi lo lũ quét.

 

Nhưng với nhiều hộ dân sống ven bờ sông Gâm, cách đập thủy điện gần 4 cây số, mỗi đợt xả nước của đập là một cơn ác mộng kinh hoàng. Dòng nước hung tợn cuốn đi biết bao đất đai, vườn tược của người dân thôn Ngòi Lẻ.

 

Gia đình chị Vũ Thanh Xuân là một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2007, trước khi đập thủy điện Na Hang đi vào hoạt động, mảnh đất của chị có diện tích đất thổ cư và đất vườn hơn 400m2, chưa kể cả nghìn mét vuông đất chị khai phá trồng trọt tiến về phía bờ sông.
 
Hãi hùng nhìn sông “nuốt” đất, nhà - 1
Chị Xuân ngậm ngùi chỉ mảnh vườn trước kia của chị giờ đã là lòng sông. (Ảnh: Thế Cường)

 

Giờ đây, sau 3 năm kể từ khi đập thủy điện xả đợt nước đầu tiên, cả nghìn mét vuông đất chị khai phá đã “mất tích”, chỉ còn sót lại vài cây ăn quả nằm sát mép sông chờ bị… cuốn nốt.

 

Theo ghi nhận của PV, dòng nước hiện đã mấp mé “ăn” vào gần móng nhà chị. Ngôi nhà đã xuất hiện những vết nứt chằng chịt, tưởng như sắp sập. Chị Xuân cho biết: “Bãi đất đá nổi tận bờ bên kia trước là lòng sông. Còn lòng sông bây giờ trước là mảnh vườn nuôi sống cả gia đình tôi. Mất đất trồng trọt, không biết gia đình tôi phải làm gì để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học đây?”.

 

Cạnh nhà chị Xuân, gia đình bà Tạ Thị Vóc (78 tuổi) cũng đang lo lắng bởi bờ sông đã “ăn” vào tận móng nhà. Mảnh đất vườn rộng rãi xưa kia là nguồn thu nhập chính của hai ông bà và hai vợ chồng người con trai giờ cũng đã bị cuốn trôi. Không chỉ nhà, chuồng nuôi gia súc và công trình phụ của gia đình bà cũng bị nứt nẻ ngang dọc.
 
Hãi hùng nhìn sông “nuốt” đất, nhà - 2
Những vết nứt nẻ ngang dọc xuất hiện ngày một nhiều trong nhà bà Vóc. (Ảnh: Thế Cường)

 

Các hộ dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị những thiệt thòi của mình lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

 

“Sa khoáng tặc” tiếp tay cho lở đất?

 

Trong mùa nước cạn, đập thủy điện Na Hang phải đóng cửa đập để duy trì lượng nước ổn định khiến lòng sông Gâm cạn trơ đáy. Ngay bên dưới lòng sông, dọc theo thị trấn Na Hang, những tàu khai thác cát sỏi và sa khoáng ngang nhiên hoạt động ngày đêm.

 

Người dân địa phương cho biết, những thuyền khai thác sa khoáng này di chuyển liên tục trên lòng sông, khoét sâu vào lòng đất, biến lòng sông cũ sau khi bị khai thác thành gò cao và những vùng mới khai thác trở thành lòng sông, gây nên hiện tượng thay đổi dòng khi nước được xả ra từ đập.
 
Hãi hùng nhìn sông “nuốt” đất, nhà - 3
Những nhà thuyền khai thác cát và sa khoáng dưới sông. (Ảnh: Thế Cường)

 

Vì thế mà dòng nước sau mỗi lần đập xả liên tục tạo ra dòng chảy uốn khúc thất thường, có sức hút xoáy rất lớn, cuốn đi đất và hoa màu, cây cối hai bên bờ sông.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hà Tuân - Phó Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Na Hang - cho rằng: “Nhiều tàu thuyền khai thác dưới lòng sông là tàu khai thác cát của hợp tác xã phục vụ nhu cầu công của huyện. Tuy nhiên, một số tàu khai thác sa khoáng trà trộn vào khai thác lậu thì địa phương cũng… bó tay”.

 

Không đồng tình với việc “đổ tội” cho việc khai thác sa khoáng, ông Tân khẳng định: “Việc khai thác cát sỏi dưới sông hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới việc lở đất mà tất cả là do việc xả nước của đập thủy điện”.
 
Theo nhận định của địa phương thì hiện tượng lở đất diễn ra mạnh nhất là vào mùa mưa. Đập thủy điện Na Hang xả lũ có khi vài ngày, có khi cả tuần. Nước dâng lên cao, ngập tràn hai bờ ven sông trong nhiều ngày khiến đất bị ngâm ải mềm nhão ra. Đến khi nước đập thủy điện đóng lại, nước đột ngột bị rút mạnh cuốn theo tất cả lớp đất đã bị mềm nhão trong quá trình ngâm nước.
 
Hãi hùng nhìn sông “nuốt” đất, nhà - 4
Đập thủy điện Na Hang mùa nước cạn. (Ảnh: Thế Cường)

 

Hướng giải quyết sự việc, ông Tuân cho biết: “Chúng tôi đã lập đề án kè đá đoạn sông lở trong thời gian tới và đang tìm diện tích hợp lý để di dời những hộ dân trong khu vực bị thiệt hại. Họ cũng sẽ nhận được bồi thường của phía dự án thủy điện”.

 

Một mùa mưa nữa lại sắp đến. Những hộ dân nơi đây lại đối diện nỗi lo sập nhà, mất đất. Tình trạng này đã diễn ra đã nhiều năm nay và không biết đến khi nào dự án di dời dân sẽ thành hiện thực?

 

Thế Cường