1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hà Nội: Lại “nóng” ở bến xe, nhà ga

(Dân trí) - Không mấy khó khăn để nhận ra không khí thực sự "nóng bỏng" đang diễn ra tại các nhà ga, bến xe tại Hà Nội vài ba ngày nay, khi "tháng ăn chơi", mùa lễ hội bắt đầu mở màn.

Nhà ga: Khan vé

Có mặt tại Ga Hà Nội lúc 18 giờ hôm qua, chúng tôi gặp khá nhiều người dân đang thất thểu trở về vì không mua được vé. Chị Phạm Hồng Vân ngán ngẩm cho biết: “Gia đình tôi tính đi du lịch Sapa ít ngày, đi xe ô tô thì ngại chen chúc khổ sở, mua vé tàu thì được thông báo là hết chỗ”.

Không chỉ tàu về phía Bắc, các tàu đi phía Nam như tàu vào thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế cũng rất khan vé vào các ngày 15 và 16/2.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó trưởng Ga Hà Nội, cho biết: “Việc mua vé đi tuyến Hà Nội - Lào Cai đến thời điểm này gặp nhiều khó khăn mặc dù trước đó nhà ga đã phải xin nối thêm toa, tận dụng cả những chỗ trống trên toa tàu đã đặt trước của các công ty du lịch để phục vụ hành khác.

Từ ngày 13/2, các tuyến đường dài đi Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh cũng thực sự trở nên “nóng bỏng”, hành khách phải đặt vé trước từ 2-3 ngày”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tuyến tàu Thống Nhất xuất bến ngày 15, 16/2 đều đã hết vé từ hôm trước, kể cả lượng ghế bổ sung. Dự kiến, việc khan hiếm vé cho các chiều này sẽ còn diễn biến phức tạp cho đến hết Rằm tháng Giêng (tức ngày 21/2). Ga Hà Nội đã cho chạy 12 đôi tàu Thống Nhất gồm cả chiều vào và chiều ra để giải toả bớt khách.

Năm nay, Ga Hà Nội không còn cảnh chen lấn mua vé sau tết như mọi năm vì nhà ga đã chủ động lắp đặt hệ thống nhận số thứ tự tự động. Tuy nhiên, vẫn có không ít hành khách nhấp nhổm không yên do lo sợ không mua đươc vé ưng ý vì lượng vé giường nằm, vé ngồi mềm còn lại rất ít...

Bến xe: khách vượt “lưới cò” vào bến

Sau Tết vài ngày, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ bắt đầu vào “tháng ăn chơi” với hàng loạt lễ hội: Yên Tử, Yên Phụ, Chùa Hương, Bà Chúa Kho… Đó cũng là lúc dịch vụ cho thuê xe du lịch vào mùa làm ăn lớn nhất trong năm.

 

Từ ngày 6 âm lịch đến nay, hầu hết các trung tâm dịch vụ xe du lịch lễ hội đều trưng biển “hết xe”. Giá xe cũng tăng đến mức chóng mặt: xe Ford Transit 16 chỗ đi Chùa Hương đã tăng lên 1,5 triệu đồng/ngày (ngày thường chỉ từ 800 - 900 nghìn đồng/ngày), đi Yên Tử tăng từ 1,2 lên 1,8-2 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, để thuê được xe, khách phả đặt trước từ 4-5 ngày, thậm chí là cả tuần và phải chấp nhận giá cao.

Tại các bến xe, tình hình đỡ căng thẳng hơn nhưng lại khá lộn xộn về ANTT. Từ đội ngũ lái, phụ xe đến xe ôm, “cò”... đều xác định đây là cơ hội làm ăn “mỗi năm chỉ có đôi lần” nên ra sức chèo kéo, đeo bám, “chặt chém”,...

Ghi nhận tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm buổi sáng nay, thấy lượng khách đông hơn hẳn những ngày qua. Các xe chạy các tuyến “nóng” về thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đak Lak… lấp đầy khách ngay từ cổng bến.

Vừa đặt chân đến cổng Bến xe Giáp Bát, không ít hành khách phải choáng váng trước lực lượng quá hùng hậu các “cò” xe lượn như chong chóng trước mặt. Phần nhiều hành khách không thể vượt qua “lưới cò” dày đặc đành phó mặc, “cò bảo sao nghe vậy”.

Tuy nhiên, tại khu vực bán vé phía trong bến, không khí cũng xôm tụ hơn hẳn những ngày trước. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe này cho biết, lượng hành khách tìm đến mua vé tại quầy nhiều hơn hẳn so với những ngày trước đây.

Ngay trong buổi sáng nay, chúng tôi đã nhận được phản ánh của một số hành khách tỏ ra rất bức xúc trước hành vi “lừa lọc” trắng trợn của một số “cò” xe và lái xe. Anh Nguyễn Việt Hùng, trú tại thành phố Vinh, kể lại: “Chiều ngày 14/2, chúng tôi đến xe Giáp Bát để trở về Vinh. Ngay tại cổng bến, chúng tôi đã bị đám cò mồi vây lấy với những lời mời chào đầy tính hăm doạ. Thấy bến đông, tôi đành nghe theo, nhưng khi xe chạy đến Ninh Bình thì phụ xe yêu cầu tôi trả thêm 100.000 đồng, khi đòi vé thì lái xe quát lại: “không có vé!”.

Được biết, theo quy định, vé đi Nghệ An - Hà Nội và ngược lại chỉ có giá từ 60-70 nghìn đồng, nhưng trong mấy ngày Tết nhiều nhà xe đã đồng loạt tăng tới 100.000 đồng/người, không kể người lớn hay trẻ nhỏ. Đó là chưa kể đến tình trạng lèn khách diễn ra khá phổ biến sau khi các xe đã xuất bến. Trường hợp như anh Nguyễn Việt Hùng kể trên không phải là cá biệt. Nhiều hành khách nhận thức rõ nguy cơ này nên đã chủ động mua vé tại bến.

Năm nay, do giá vé đi các tuyến đường dài đều tăng từ 40-60% nên hành khách có xu hướng chuyển sang đi xe chất lượng cao. Tại Bến xe Lương Yên, doanh nghiệp vận tải Hoàng Long đã tăng từ 10 lên 20 chuyến/ngày và chuyến nào cũng xuất bến trong tình trạng “đầy” khách.

Phúc Hưng