1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

TPHCM:

“Giải mã” hiện trượng cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

(Dân trí) - Nước từ sông Sài Gòn dùng để thau rửa dòng kênh bị hạn chế khiến nguồn nước thải bị đọng lại phía cuối kênh; kỹ thuật thả và lựa chọn thành phần loài cá thả chưa phù hợp… là những nguyên dẫn đến tình trạng hàng ngàn con cá chết nổi trắng mặt kênh.

Cá chết nổi trắng trên một đoạn thuộc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Cá chết nổi trắng trên một đoạn thuộc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Bắt đầu xuất hiện từ sáng 20/7 đến nay, trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè đoạn từ cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) đến đoạn cống xả nằm gần khu vực đường Út Tịch (quận Tân Bình) xảy ra tình trạng cá chết, nổi trắng trên mặt nước. Tại các khu vực chân cầu số 7, 6, 5, cầu Lê Văn Sỹ… cá trôi dạt, mắc kẹt sát bờ. Cá chết chủ yếu các loại cá sống ở tầng mặt như các rô, các diêu hồng, cá chép….

“Lúc đầu tôi thấy vài con chết trôi trên mặt nước nên nghĩ là do nhiều người dân câu cá làm cá chết. Sau đó, tôi thấy số lượng cá nổi nhiều với mật độ dày đặc. Mùi hôi, tanh nồng nặc cũng bốc lên, đưa con gái ra đây dạo mát được vài phút tôi phải trở về nhà ngay vì không chịu nổi mùi này” - Anh Nguyễn Quang Vinh (49 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho biết.

Hàng ngàn con cá đã chết nổi trên mặt kênh
Hàng ngàn con cá đã chết nổi trên mặt kênh

Trong ngày 21/7, ghi nhận tại hai bên bờ kênh cá vẫn chết hàng loạt, nhiều con đã bị thối rữa, bốc mùi. Dù các công nhân thuộc Công ty TNHH Môi trường đô thị TP chèo ghe đi dọc kênh vớt cá chết liên tục nhưng cá vẫn nổi trắng mặt kênh.

Theo ông Nguyễn Hữu Long Giao, Giám đốc trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM), nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt là do nguồn nước thải bị đọng lại phía cuối kênh, trong khi nước từ sông Sài Gòn dùng để thau rửa dòng kênh vẫn đang bị hạn chế chảy vào kênh để phục vụ công tác chống ngập. Dù đã xả cho nước sông Sài Gòn vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để thau rửa nước bẩn từ ngày 20/7. Tuy nhiên, đoạn cuối kênh vẫn chưa được thau rửa do nút thắt ngay cầu Kiệu làm giảm hiệu quả việc thau rửa. Bên cạnh đó, mỗi lần thau rửa phải mất khoảng hai tuần mới làm sạch được nước kênh.

Hàng ngàn con cá đã chết nổi trên mặt kênh
Hàng ngàn con cá đã chết nổi trên mặt kênh
Nguồn nước bẩn và kỹ thuật chọn, thả cá chưa hợp lý đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè

Một số nguyên nhân khác dẫn đến việc cá chết nổi trắng trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được PGS.TS Vũ Cẩm Lương - Khoa Thủy sản trường đại học Nông Lâm phân tích: “Cá giống nhỏ bị chết trong kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có thể là cá mới được phóng thả. Nguyên nhân cá chết, ngoài khả năng kênh bị ô nhiễm cục bộ, phải kể đến khâu kỹ thuật thả và lựa chọn thành phần loài cá thả cho phù hợp. Để thả cá hiệu quả, cá giống nhỏ cần được ương nuôi đến cỡ phù hợp và phải trải qua khâu luyện cá thích nghi với môi trường mới, điều này đặc biệt có ý nghĩa với những môi trường mới có tính khác biệt cao như ở kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè.

Sau khi cá đã được tôi luyện bằng nguồn nước tại chỗ của kênh, kỹ thuật phóng thả cá cũng phải lưu ý về thời điểm và kỹ thuật thả, tránh thả cá vào lúc nắng nóng, khi thả phải mở túi ni lông từ từ cho cá quen với nguồn nước mới và tự bơi ra, thay vì mở túi thả thẳng xuống kênh…

Hiện nay, theo TS Lương, một nhóm nghiên cứu của trường đại học Nông Lâm đã hình thành và chuẩn bị nghiên cứu khả năng thả cá ở kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè. Sức tải thủy vực của kênh cho phép thả bao nhiêu cá, thả cá gì, nguồn thức ăn ra sao và kỹ thuật thả thế nào sẽ được nhóm nghiên cứu này thực hiện trong thời gian 2 năm. Sau đó sẽ đưa ra các khuyến cáo thả cá nhằm tái tạo nguồn lợi cá trong kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè theo hướng bền vững.

Trung Kiên