1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đột nhập trại “cá sát thủ” ở Hà Nội

Nhác thấy bóng người, lũ sấu 2 năm tuổi đùng đùng quẫy đuôi lao xuống nước. Thoáng chốc cả mặt ao đã phẳng lặng một cách giả dối, chỉ còn loang trên bờ xi-măng những vệt nước lớn.

Tận mắt ngắm “cá sát thủ”

 

Về xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) hỏi trại cá sấu Thịnh Phát của anh Nguyễn Quang Hiển ai cũng từng nghe nhưng không ai biết chính xác nó nằm ở đâu. Vòng vèo chán chê theo chỉ dẫn của nhiều người, cuối cùng phải cậy đến 1 cán bộ của UBND xã này mới tìm được trại sấu.

 

Anh Hiển đi vắng, trực trại là ông Phan Ngọc Tiền - người chăm sóc chính cho lũ cá sấu. Ông Tiền chỉ đống thùng gỗ thông vứt đầy góc vườn, bảo: “Tiếc quá, các anh đến sớm 3 hôm thì cá đầy trại. Chúng tôi vừa xuất hơn 20 tấn sang Trung Quốc hôm kia”.

 

Dù đã vãn nhưng trong 22 chiếc bể nuôi (mỗi chiếc rộng từ 100-120m2) vẫn còn đến gần ngàn con sấu đủ các kích cỡ.

 

Đột nhập trại “cá sát thủ” ở Hà Nội - 1

Trong trang trại với 22 chiếc bể nuôi (mỗi chiếc rộng từ 100-120m2) vẫn còn đến gần ngàn con sấu đủ các kích cỡ.

 

Tiến đến chiếc bể nằm cuối cùng bên trái, nơi ông Tiền giới thiệu có những con cá sấu to nhất, dù đã đề phòng nhưng chúng tôi không khỏi giật mình khi tận mắt nhìn thấy lũ cá “sát thủ” đang há mồm nằm phơi nắng trên bờ.

 

Tại bể này có 60-70 con cá sấu 2 tuổi, mỗi con dài chừng 1,8m; nặng khoảng 60 kg. Dù đây không phải là kích cỡ lớn nhất của cá sấu Xiêm nhưng cũng đủ làm các vị khách chờn chợn khi đứng quan sát sau bờ tường bao cao ngang ngực.

 

Ông Tiền khẳng định, lũ cá sấu dù nhanh nhẹn nhưng cũng không thể chồm lên được bờ tường bao này để cắn người. Bằng chứng là trong suốt thời gian 2 năm ông làm việc ở đây chưa chứng kiến vụ “vượt ngục” nào của cá sấu trưởng thành; hoạ hoằn có vài lần mấy con bằng bắp tay trốn được ra ruộng, người dân đi làm đồng bắt được lại đem trả cho trại.
 
Đột nhập trại “cá sát thủ” ở Hà Nội - 2

 

Đang nằm im như những khúc gỗ mục, bỗng có một con cá sấu giật mình lao xuống cái ao nhỏ sâu vỏn vẹn chưa đến 1m được đào giữa bể nuôi, thế là nhất loạt cả bầy quẫy đuôi lao theo. Thoáng chốc, mặt nước đã phẳng lặng một cách giả dối, phải nhìn rất kỹ mới thấy những hàm răng “sát thủ” mờ mờ dưới làn nước đục.

 

Lũ sấu con được chia thành nhiều bể: con dài 60-70cm, con dài 90cm, lại có con dài đến trên 1m; chúng tỏ ra nhanh nhẹn và dữ tợn hơn hẳn lũ sấu lớn. Nhác thấy người, lập tức những hàm răng lởm chởm ngoác ra, kèm với những âm thanh lạ tai “khốp, khốp” đầy sự đe doạ. Không chỉ đe doạ người, chúng còn dữ với cả đồng loại. Theo quan sát, trong bể nuôi có những con cụt cả đuôi vì bị con khác cắn đứt.
 
Đột nhập trại “cá sát thủ” ở Hà Nội - 3
Lũ “cá sát thủ” há mồm nằm phơi nắng trên bờ.

 

Nuôi cá sấu dễ hơn… nuôi lợn

 

Ở các tỉnh phía Nam người ta nuôi cá sấu nhiều như… nuôi lợn, do chúng rất khoẻ, gần như miễn nhiễm với mọi loại dịch bệnh. Khu vực phía Bắc, do có mùa đông lạnh trong khi lũ sấu chỉ sống khoẻ từ khoảng 16 độ C trở lên, nên loại hình trang trại nuôi cá sấu còn khá mới mẻ.

 

Như trại Thịnh Phát, về mùa đông vẫn phải che chắn thêm bạt cho các bể, lạnh nữa thì phải dùng quạt sưởi thổi cho lũ sấu. Đó có lẽ là khâu phức tạp nhất, còn về bể, chuồng được thiết kế khá đơn giản, toàn bộ là gạch xây xi măng. Ông Tiền chỉ cho chúng tôi xem một hệ thống mương nhân tạo chạy giữa trại, nước từ giếng khoan được bơm lên qua bể lọc rồi đổ xuống mương. Nước từ mương lại được bơm vào các bể nuôi sấu.

 

Trong các bể nuôi cá sấu người ta còn trồng luôn hàng trăm cây bưởi Diễn, vừa để lấy quả, vừa tạo bóng mát cho cá sấu nằm phơi nắng. Mùa hè, mỗi ngày cá sấu được cho ăn một lần, thức ăn là cá, thịt lợn… Vào mùa đông chúng lười ăn, có khi 2 tuần mới ăn một lần, và chủ yếu rúc xuống ao trốn cái lạnh.

 

Tính bình quân, chi phí thức ăn cho cá sấu Xiêm chỉ vào khoảng 300.000 đồng/con/năm. Lợi nhuận đem lại sau một năm nuôi là từ 800.000 - 1,1 triệu đồng/con. Một hộ gia đình có diện tích 70m2 là đã có thể nuôi 50 con cá sấu.

 

Việc bắt và vận chuyển những con cá “sát thủ” này xem ra cũng khá đơn giản. Khác với cảnh vất vả, nguy hiểm trong các chương trình về thế giới động vật, ông Tiền một mình biểu diễn: dùng một cái vợt có lỗ thủng ở đầu, trong nửa phút đã bắt gọn một con sấu dài đến 1m5.
 
Đột nhập trại “cá sát thủ” ở Hà Nội - 4
Ông Tiền trong nửa phút đã bắt gọn 1 con cá sấu

 

Sau khi chui đầu vào vợt và bị ông chẹn chân lên gáy, con vật hung dữ bỗng ngoan ngoãn nằm im. Trong trường hợp cần vận chuyển đi, chỉ cần băng miệng con cá lại và bỏ vào các thùng gỗ thông kể trên.

 

Cá sấu chỉ đẻ 1 lứa duy nhất vào tháng 2 hằng năm. Thời điểm này lại đúng mùa lạnh ở miền Bắc nên không thể ấp nở trứng. Vì thế anh Hiển phải duy trì một trại cá sấu giống ở miền Nam, tại xã Đông Bình, huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long).

 

Nơi đây có 200 cá thể cá sấu đực và 400 con cái, đều đã 13-14 năm tuổi, nặng gần 2 tạ/con. Từ ngoài 10 tuổi trở ra thì con cái bắt đầu cho trứng, mỗi lần đẻ từ 20-25 quả. Sau khi được đưa vào lồng ấp như ấp trứng gà công nghiệp trong khoảng 80-90 ngày, tỉ lệ trứng nở đạt 90%.
 
Đột nhập trại “cá sát thủ” ở Hà Nội - 5

 

Cá sấu non khi mới nở chỉ dài khoảng 15cm, được tiếp tục nuôi dưỡng trong vòng 8 tháng để đạt đến kích cỡ 60cm thì chuyển ra Hà Nội, bán con giống cho người nuôi.

 

Trại Thịnh Phát hiện là nơi cung cấp cá sấu giống cho khoảng 70 cơ sở, nằm rải rác ở các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… Thường sau khoảng 1 năm chăm sóc, khi con cá đạt 50-60kg các cơ sở lại nhập ngược trở lại cho trại Thịnh Phát để xuất khẩu. 

 

Theo Vietnamnet