1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cần Thơ:

“Đói” vốn, nhiều công trình văn hóa xuống cấp

(Dân trí) - TP Cần Thơ có nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử giá trị nhưng đã bị xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Trong khi đó, việc bảo tồn, sửa chữa cho các công trình này lại không được quan tâm đúng mức.

Sự “lãnh cảm” với các giá trị văn hóa của địa phương là tác nhân chính gây ra một loạt công trình dang dở.
 
“Đói” vốn, nhiều công trình văn hóa xuống cấp - 1

Nhà hát Tây Đô vẫn ngổn ngang gạch đá (ảnh: NT).

Thiếu công trình văn hóa

Theo hoạch định của địa phương, Cần Thơ phấn đấu mỗi năm phải có một công trình văn hóa mới. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên việc trùng tu cải tạo đã gặp quá nhiều khó khăn, chưa tính đến việc xây dựng mới.

Tây Đô là mảnh đất sinh ra nhiều danh nhân như: Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, nhà thơ Phan Văn Trị, nhà cách mạng Châu Văn Liêm, Phan Ngọc Hiển hay những văn nghệ sĩ có công khai sáng bộ môn nghệ thuật cải lương như Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Tám Danh, Bảy Nhiêu...

Thế nhưng, chỉ có duy nhất khu mộ nhà thơ Phan Văn Trị được đầu tư khá khang trang - mất hơn 10 năm liên tục cải tạo, mở rộng và trùng tu. Đến nay khu mộ cụ Phan Văn Trị mới chỉ “thoát khỏi tình trạng xập xệ” - chưa thể xem là công trình xứng tầm danh nhân.

Các công trình văn hóa cộng đồng của TP Cần Thơ cũng trong tình trạng xuống cấp ngổn ngang. Trong 10 năm gần đây, chỉ có Bảo tàng TP Cần Thơ là được đầu tư trọn vẹn và khá tương xứng với yêu cầu phát triển. Còn lại, các công trình khác đều nằm trên giấy hay chỉ được đầu tư sửa chữa khi đã… hấp hối.

Hai ví dụ điển hình cho tình trạng này là Thư viện TP Cần Thơ vừa được sửa chữa trong năm 2005 - 2006, khi các cơ quan chức năng của ngành xây dựng đã cảnh báo nhiều lần rằng tòa nhà này đã quá hạn sử dụng nhiều năm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn đọc.

Các di tích lịch sử - văn hóa như Đình Bình Thủy, Khám lớn Cần Thơ, Hội Linh cổ tự và một số công trình công cộng như rạp Hậu Giang, Nhà biểu diễn Trung tâm văn hóa Thông tin TP... đều xuống cấp đến mức không thể tệ hơn nữa mới có kế hoạch sửa chữa.

Chưa hết Trung tâm Văn hóa của 8 quận huyện nhiều năm qua vẫn chỉ có nhà văn hóa quận Ô Môn còn sử dụng được, tất cả các đơn vị còn lại đều phải…lưu động.

Đầu tư nhỏ giọt

Năm 2008, ngành Văn hóa Thông tin TP Cần Thơ có 5 công trình được ghi vốn đầu tư nhưng hầu hết các công trình đều thuộc diện cấp bách đã tồn đọng từ nhiều năm qua. Và cũng hầu hết các công trình được “trùng tu từng phần” trong nhiều năm nên phần này mới phần kia đã cũ.

Cứ thế tạo thành những công trình nhá nhem. Đầu tiên là việc tiếp tục trùng tu tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Khám Lớn Cần Thơ - được trùng tu từng phần trong gần 10 năm qua và đến nay vẫn chưa xong.

Năm nay, kinh phí cho công trình này được ghi vốn 3 tỉ đồng, để bổ sung thêm một số sản phẩm mỹ thuật tái hiện sự đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng từng bị tù đày, mở rộng một số hạng mục giúp “tránh bị xuống cấp”.

Một công trình khác vốn chờ ngày khởi công từ năm 2001 đến nay là sửa chữa nâng cấp rạp hát Hậu Giang - nay là Nhà hát Tây Đô - một trong những rạp hát lâu đời nhất TP Cần Thơ. Rạp Hậu Giang càng ngày càng nứt, lún, xuống cấp, thậm chí hiện nay không còn một cái ghế nào để khán giả xem biểu diễn.

Thế nhưng, nhiều năm qua các cấp có thẩm quyền cứ mãi “đắn đo” chọn lựa giữa việc cải tạo toàn diện rạp hát hay sửa chữa nhỏ đủ để hoạt động tạm thời, nên việc sửa chữa cứ bị dời từ năm này sang năm khác.

Đến cuối năm 2007, khi Nhà hát Tây Đô được thành lập, Ban Giám đốc Nhà hát quyết định hoạt động trong tình trạng phải thuê ghế nhựa làm chỗ ngồi cho người xem, âm thanh ánh sáng không đủ chuẩn, rạp tối tăm ẩm thấp...

Cuối cùng thì UBND TP Cần Thơ đã quyết định dành ra kinh phí gần 2,9 tỉ đồng trong năm 2008 để sửa chữa rạp Hậu Giang. Và cũng phải chờ đến cuối năm, người ta mới thấy được cảnh dàn giáo dựng lên bên ngoài nhà hát để bắt đầu việc trùng tu, sửa chữa.

Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và Hậu cứ đoàn cải lương Tây Đô là hai công trình văn hóa đầu tư xây mới. Thế nhưng, với kinh phí 5 tỉ đồng của năm 2008, công trình Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa khó có thể hoàn tất việc giải phóng mặt bằng do không có quỹ đất để tái định cư cho 32 hộ dân bị giải tỏa chưa nói đến việc xây dựng.

Còn khu hậu cứ đoàn cải lương Tây Đô chỉ được san lấp mặt bằng và xây dựng tạm thời một số nhà tập thể, chưa thể tính đến chuyện xây dựng nhà hoạt động nghiệp vụ, sân khấu thử nghiệm, nhà biểu diễn... như kế hoạch.

Nhật Trường