1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bạc Liêu:

Di tích lịch sử cỏ mọc um tùm, nhà trưng bày bỏ hoang

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Một di tích lịch sử cấp tỉnh ở Bạc Liêu nhiều năm qua hầu như bị bỏ hoang để cỏ mọc um tùm, nhà trưng bày hiện vật trống trơn.

Ngày 14/7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Hoàng Thoại, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, thông tin di tích lịch sử sự kiện Ninh Thạnh Lợi năm 1927 (còn gọi là di tích Chủ Chọt, huyện Hồng Dân) được công nhận cấp tỉnh năm 2006.

Đây là di tích gắn liền với một trong 3 cuộc nổi dậy tiêu biểu của nông dân tỉnh Bạc Liêu từ những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX.

Di tích lịch sử cỏ mọc um tùm, nhà trưng bày bỏ hoang - 1

Trong khuôn viên di tích cỏ cây mọc um tùm trông như bị bỏ hoang (Ảnh: CTV).

Theo ông Thoại, khu di tích có ý nghĩa giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, giai cấp nông dân, thế hệ trẻ của tỉnh.

"Thời gian qua, tuy tỉnh có quan tâm đầu tư xây dựng di tích này nhưng hiện nay khu di tích đang xuống cấp, có dấu hiệu bị bỏ hoang", ông Thoại cho biết.

Ông Thoại dẫn chứng, khu nhà trưng bày chỉ là gian nhà trống mà không có bất cứ hiện vật nào. Khu mộ của các nghĩa quân tử trận trong sự kiện và khuôn viên xung quanh cỏ dại, cây cối mọc um tùm.

Cổng, hàng rào, tường nhà bị rong rêu bám, đường vào khu di tích nhỏ, không có người trông coi, bảo vệ di tích.

Di tích lịch sử cỏ mọc um tùm, nhà trưng bày bỏ hoang - 2

Bên trong nhà trưng bày trống trơn, không có hiện vật nào của sự kiện (Ảnh: CTV).

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết khu di tích đã được bàn giao cho UBND huyện Hồng Dân quản lý theo phân cấp từ năm 2006.

"Những phản ánh của ông Thoại là đúng", bà Phương thừa nhận và cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên do UBND huyện Hồng Dân chưa bố trí được người túc trực, trông coi di tích.

Theo bà Phương, việc bố trí người trực tiếp trông coi di tích chưa được sự thống nhất của gia đình ông Trần Kim Túc (còn gọi là Chủ Chọt, một trong những nhân vật chính của sự kiện). Bởi vì phần đất di tích do gia đình ông Túc hiến tặng nên mong muốn tham gia trực tiếp bảo vệ và chăm sóc di tích.

Di tích lịch sử cỏ mọc um tùm, nhà trưng bày bỏ hoang - 3

Khu mộ của nghĩa quân tử trận cỏ cây mọc, không được chăm sóc (Ảnh: CTV).

Nêu hướng giải quyết, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đề nghị UBND huyện Hồng Dân sớm làm việc với gia đình ông Túc để thống nhất bố trí người trông coi di tích. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế tại di tích.  

Về định hướng nâng cấp di tích, theo bà Trần Thị Lan Phương, sở sẽ phối hợp với huyện Hồng Dân tổ chức khảo sát, xây dựng một số hạng mục như: Nhà làm việc, bia sự kiện, trưng bày hiện vật, sân hành lễ, khu vệ sinh, quy hoạch mở rộng thêm diện tích, nâng cấp mở rộng đường vào di tích… đảm bảo đủ điều kiện để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.