1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Di dời cổng đền hơn 200 tuổi làm đường: Kinh phí thuê "thần đèn" bao nhiêu?

Dương Nguyên

(Dân trí) - UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã chi ra khoảng 800 triệu đồng để di chuyển cổng đền hơn 200 năm tuổi. Lãnh đạo địa phương khẳng định nguồn tiền này sẽ không ảnh hưởng đến dự án đường 150 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân phường Đức Thuận (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đang được UBND thị xã Hồng Lĩnh giao thực hiện việc di dời cổng đền có tuổi đời hơn 200 năm trên địa bàn để tiếp tục thực hiện dự án đường vành đai.

Liên quan đến việc này, sáng 5/1, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, cho biết, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ trên khoảng 800 triệu đồng, lấy từ nguồn giải phóng mặt bằng của dự án.

Ông Hùng cũng khẳng định việc này sẽ không ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư dự án.

Di dời cổng đền hơn 200 tuổi làm đường: Kinh phí thuê thần đèn bao nhiêu? - 1

Cổng đền sẽ được dịch chuyển đến vị trí mới (ô vuông đỏ) cách vị trí cũ hơn 60m (Ảnh: Dương Nguyên).

Theo một nguồn tin, địa phương này đã bỏ kinh phí 700 triệu đồng để thuê "thần đèn" thực hiện di dời và khoảng 100 triệu đồng để làm móng tại vị trí mới cùng các công việc khác.

Như đã đưa tin, sáng 4/1, sau khi UBND phường Đức Thuận phát lệnh, "thần đèn" Nguyễn Văn Cư (trú TPHCM) cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân bắt đầu thực hiện việc dịch chuyển cổng đền hơn 200 tuổi đến vị trí mới cách đó khoảng 63m.

Di dời cổng đền hơn 200 tuổi làm đường: Kinh phí thuê thần đèn bao nhiêu? - 2

Dự án đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh trước đó "đứt đoạn" vì quy hoạch qua cổng đền hơn 200 năm tuổi (Ảnh: Dương Nguyên).

Đây là cổng tam quan đền Thánh Vân Chàng, hạng mục duy nhất còn sót lại của ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 18 (cách đây hơn 200 năm), nay đã trở thành phế tích. Cổng cao khoảng 5m, rộng 3m, được làm từ vật liệu đá tổ ong, gạch…, nặng khoảng 100 tấn.

Ngôi đền này thờ Khổng tử và các bậc danh nhân quá cố trong làng Văn Chàng khi xưa, nay là thuộc tổ dân phố Thuận Hòa (phường Đức Thuận).

Theo lãnh đạo phường Đức Thuận, địa phương đã chuẩn bị cho việc di chuyển cổng đền cách đây một tháng. Ngôi đền sẽ được dịch chuyển đến vị trí mới cách đó khoảng 63m.

Di dời cổng đền hơn 200 tuổi làm đường: Kinh phí thuê thần đèn bao nhiêu? - 3

Dự kiến, việc di chuyển cổng đền sẽ thực hiện trong khoảng 3 tuần (Ảnh: Dương Nguyên).

Theo "thần đèn" Nguyễn Văn Cư, trước khi thực hiện, ông đã ra hiện trường khảo sát 3 lần. Sau đó, đơn vị chuẩn bị một xe container chở máy móc, thiết bị, vật tư với trọng lượng 15 tấn từ TPHCM ra Hà Tĩnh.

"Chúng tôi cũng huy động 6 công nhân và một cán bộ kỹ thuật có trình độ giỏi nhất của công ty. Vì, đền này đã có từ lâu, xuống cấp, có nhiều vết nứt, nếu làm không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến nguyên trạng", ông Cư nói.

Mỗi ngày, đơn vị thực hiện sẽ dịch chuyển được khoảng 8-10m. Theo tính toán, công việc sẽ hoàn thành trong 3 tuần.

"Thần đèn" di dời cổng đền 200 tuổi để dự án đường triển khai (Video: Dương Nguyên).

Hồi tháng 7/2023, báo Dân trí có bài phản ánh Dự án đường 150 tỷ đồng "đứt đoạn" vì chạy qua cổng đền hơn 200 năm tuổi. Theo đó, Dự án đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (đoạn từ Quốc lộ 8 đến đường Tiên Sơn) có chiều dài gần 3km, mặt đường thảm nhựa rộng 30m.

Công trình có tổng đầu tư 150 tỷ đồng do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ tháng 12/2022, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025.

Thời điểm đó, tại vị trí cánh đồng, thuộc tổ dân phố Thuận Hòa (phường Đức Thuận), dự án "đứt đoạn", chưa thể giải phóng mặt bằng với chiều dài khoảng hơn 100m.

Nguyên nhân của việc "đứt đoạn" này do quy hoạch trục đường dự án đã chạy qua đúng vị trí của cổng đền có tuổi đời hàng trăm năm. 

Theo một lãnh đạo địa phương, ngôi đền xưa kia giờ chỉ còn là phế tích. Do đó, trong quá trình khảo sát, đơn vị thực hiện đã không xác định được vị trí cổng đền nằm ngay dự án đường. Sau đó, địa phương này đã quyết định giữ lại cổng đền và thuê "thần đèn" dịch chuyển.

Thời gian tới, địa phương sẽ kêu gọi xã hội hóa để xây dựng khu di tích nhằm giáo dục truyền thống văn hóa, hiếu học cho các thế hệ.