1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đào Thất Thốn "nằm" điều hoà chờ khai hoa, nở nhuỵ

(Dân trí) - Nét đẹp hiếm có cùng sự kiêu kỳ của giống đào Thất Thốn đã làm nản lòng nhiều người ở làng đào Nhật Tân (Hà Nội) khi không phải ai cũng có thể khiến cây “khai hoa, nở nhụy” đúng dịp Tết Nguyên đán.

Sắc hoa thắm, cánh dày và bông nở to là đặc trưng riêng của loại đào Thất Thốn.
Sắc hoa thắm, cánh dày và bông nở to là đặc trưng riêng của loại đào Thất Thốn.

Cần tối thiểu 10 năm để có cây “chơi được”

Được biết đến là người gắn bó với giống đào Thất Thốn đã 30 năm, ông Lê Hàm (56 tuổi, trú tại cụm 3, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) kể, giống đào Thất Thốn xuất hiện đầu tiên ở vùng đất này và trú ngụ ở nơi đây từ rất lâu rồi, còn cụ thể bao nhiêu năm thì ông chưa có câu trả lời.

Cũng bí hiểm như nguồn gốc, theo ông Hàm, cái tên Thất Thốn được đặt cho giống đào quý cũng chưa được thống nhất, lý giải ngọn ngành mà chỉ được các bậc cao niên suy diễn.

“Thốn là đơn vị đo chiều dài của y học phương đông cổ xưa, tương đương 1 đốt ngón tay. Có người bảo gọi thất thốn bởi lá đào dài đúng 7 thốn, người lại nói cứ 7 thốn cây sẽ chia cành một lần, 1 thốn có 7 bông hoa. Nhưng suy diễn phù hợp nhất có lẽ là mỗi thốn sẽ ra 7 bông hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh” - ông Hàm nói.

Cũng theo ông Hàm, ông chỉ là người đi sau trồng đào Thất Thốn ở vùng đất này. Nét đẹp hiếm có cùng sự kiêu kỳ khiến nhiều chủ vườn theo đuổi giống đào quý này và không dứt ra được dù nhiều lần thất bại, cạn kiệt kinh tế vì nó.

“Nụ đào Thất Thốn ngủ sâu trong lớp vỏ xù xì và tồn tại nhiều năm, khi đủ độ sẽ chui ra chứ không như các loại đào thông thường. Cánh hoa cũng rất đặc biệt, phụ thuộc vào chế độ chăm sóc và tuổi đời của cây. Nếu cây già, lâu năm khi được chăm sóc chuẩn, số lượng cánh tối thiểu là 49 cánh do mỗi bông hoa có 7 lớp cánh và mỗi lớp có 7 cánh hoa” - ông Hàm cho hay.


Một gốc đào mang dáng vẻ cổ kính, phủ lên thân cái màu của thời gian (Ảnh: Nguyễn Trường).

Một gốc đào mang dáng vẻ cổ kính, phủ lên thân cái màu của thời gian (Ảnh: Nguyễn Trường).

Đào Thất Thốn không dùng kĩ thuật ghép mắt như loại đào thông thường để nhân giống hay khai thác mà phải trồng và chăm sóc từ bé. Theo ông Hàm, để có được 1 cây đào Thất Thốn đưa ra thị trường là cả 1 quy trình chăm sóc liên tục, kéo dài tối thiểu trong 10 năm.

“Một cây đào Thất Thốn ưng mắt có thân cành hài hòa, gốc thật to và ngọn nhỏ dần. Trên cây toát lên điểm đối lập với thân cây xấu xí, xù xí như que củi nhưng hoa thì tươi thắm, nở chúm, căng đầy sức sống và mãnh liệt như mùa xuân” - ông Hàm chia sẻ.

Không để thời tiết tự nhiên chi phối

Hơn 100 gốc đào Thất Thốn của gia đình ông Hàm được để trong “phòng chăm sóc đặc biệt” với hệ thống tường tôn có mái che, điều hòa 2 chiều công suất lớn cùng nhiệt kế và máy theo dõi độ ẩm.

“Lẽ thông thường của cây cối là khi thời tiết ấm cây sẽ phát triển còn giá lạnh thì sinh trưởng chậm. Việc ủ rơm, quấn nilon hay thắp điện chưa thực sự hiệu quả nên tôi dùng tường tôn cách nhiệt quây lại. Khi ở trong các gian phòng, cây đào Thất Thốn sẽ không bị thời tiết tự nhiên chi phối” - ông Hàm nói.

Ông Lê Hàm đang chăm sóc cây đào trong phòng tôn lạnh (Ảnh: Nguyễn Trường).
Ông Lê Hàm đang chăm sóc cây đào trong phòng tôn lạnh (Ảnh: Nguyễn Trường).

Là người được cắt cử để chăm sóc, theo dõi “phòng đào” hơn 4 năm nay, ông Đoàn Viết Hùng (60 tuổi) cho biết, tất cả các gốc đào Thất Thốn đều được đánh lên bồn. Để đảm bảo cho đào ra hoa tự nhiên, hàng ngày ông cùng mọi người phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhiệt độ.

“Khi trời nắng thì chúng tôi tháo bỏ mái che còn có gió mùa và sương muối thì đậy lại. Hoa muốn nở phải có ánh nắng còn nở thế nào sẽ tùy thuộc nhiệt độ. Chất dinh dưỡng, ánh sáng và nhiệt độ được chúng tôi chủ động, không để các yếu tố không mong muốn bên ngoài tác động vào” - ông Hùng cho hay.

Đa số các gốc đào Thất Thốn được gia đình ông Hàm sở hữu đã có tuổi đời trên 20 năm. Những gốc đào mang dáng vẻ cổ kính, phủ lên thân cái màu của “thời gian” tựa gốc đa già phong trần sương gió.

“Đối với giống đào quý này, việc chăm sóc cây không hề dễ dàng, trong khi đó làm thế nào để cây khai hoa, nở nhụy vào đúng dịp tết Âm lịch còn là cả 1 vấn đề. Khi đó, người chơi sẽ được ngắm hoa đào nở từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Đây cũng là sức hút đặc biệt để tôi luôn gắn bó với cây đào Thất Thốn hàng chục năm nay” - ông Hàm chia sẻ.

Theo người dân trồng đào ở Nhật Tân, để đào Thất Thốn nở đúng dịp Tết là rất khó khăn, đòi hỏi trình độ rất cao của người chăm sóc. Vì độ hiếm mà loại cây này được những người chơi cây cảnh gọi là “đặc sản tiến vua” và có giá thuê rất đắt.

Nguyễn Trường