1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đào rừng "cháy" hàng

(Dân trí) - Cũng giống như lợn “cắp nách”, thị trường đào rừng năm nay được người dân bản địa dự báo là sẽ khan hàng trong dịp Tết. Nhiều tay buôn đào rừng từ xuôi lên tận Tây Bắc cũng đành tiu nghỉu ra về…

Thời điểm này hàng năm, nhiều chuyến xe của các tay mua đào rừng đã tấp nập lên vùng cao Yên Bái. Nhưng năm nay, lượng khách xuôi đổ về đây ít hẳn, đào rừng khan hiếm, nhiều xe lên đến nơi lại phải về tay không.

Các huyện vùng cao như Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải… vốn được xem là "rốn" đào rừng, năm nay cũng hiu hắt. Những cây đào thân xù xì, rêu mốc giờ đã trở thành món hàng khó kiếm.

Sùng A Thắng, một người dân ở xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) cho biết, trước Tết khoảng vài tháng là người dưới xuôi đã lên đây tìm đào, những cây đào rừng có tuổi thọ cao, thân mốc, rêu, dáng vươn tự nhiên và có nhiều loại cây tầm gửi như phong lan trên thân cây... được dân buôn đào chuộng nhất.

Khác với đào dưới xuôi, đào rừng hoa kép không đỏ thẫm mà nhạt hồng, cánh không dày, thân mốc, khỏe, hoa rung nửa ngày cũng không rụng.

 

Người chơi đào rừng không thích những dáng như đào thế, mà chọn những cành mang dáng dấp tự nhiên, thô mộc, còn tươi nguyên hơi thở của núi rừng.

Lê Quý Đạt, một tay buôn đào rừng nói, đào núi về Hà Nội chủ yếu là đào mèo, đào đá, đào H’mông… Đào rừng thường có tuổi thọ hàng trăm năm, thế tự nhiên, nhiều nụ, hoa, quả, có cành la, cành bổng. Ngày càng nhiều người "khoái" chơi đào rừng, nhất là những gia đình có đồ cổ.

Năm nay đào rừng Tây Bắc cũng nở hoa sớm, nhưng đào không còn nhiều nên không khí bán mua không được tấp nập như mọi năm. Giàng A Chung, người dân tại Chế Cu Na, cho biết, những năm trước người dưới xuôi lên Mù Cang Chải mua đào nhiều lắm, cứ đến Tết là xe chở đào nối đuôi nhau, nhưng năm nay lượng đào rừng có ít đi, lại nở hoa sớm nên người mua cũng ít.

Nguyễn Quang Tùng, một tay chuyên buôn đào rừng, quê Hà Tây nói, thời gian đầu mới làm nghề, tìm đào dễ lắm. Nay do rừng bị chặt phá quá nhiều nên đào rừng cũng hiếm, chỉ còn lại những cây nhỏ, thế không đẹp. Trong những ngày ở Yên Bái, nhóm của Tùng chỉ mới "đặt cọc" được vài chục gốc đào với các hộ dân ở Văn Chấn.

Tùng cho biết nhóm của mình sẽ rời Yên Bái để sang Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… tìm cho được những cây đào rừng ưng ý để phục vụ khách hàng miền xuôi.

Chiều Tây Bắc mây mù bám kín núi rừng, những nụ đào còn sót lại vẫn e ấp giấu mình trong mây trời để chờ dịp khoe sắc đón xuân. Năm nay, những thế đào rêu mốc khó lòng theo xe về xuôi, như lời A Pha ở Mù Cang Chải nói, lợn "cắp nách" và đào rừng là của dân bản hết rồi, chỉ có tặng nhau thôi.

Trần Hưng