1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đảm bảo kinh phí hỗ trợ đến tay người dân gặp khó khăn nhanh nhất

Thế Kha

(Dân trí) - Đã thực hiện hỗ trợ 12,1 triệu lao động, gần 376.000 người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 5,7 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ người dân thông qua chính sách giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 11/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 7/2021 các ngành, các cấp, địa phương đã tập trung, khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68; đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thủ tục xác định các nhóm đối tượng được hỗ trợ để đảm bảo kinh phí hỗ trợ đến tay người dân gặp khó khăn một cách nhanh nhất.

Đảm bảo kinh phí hỗ trợ đến tay người dân gặp khó khăn nhanh nhất - 1

Người dân nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Đến nay các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện chi trả trợ cấp cho người dân theo 12 chính sách quy định tại Nghị quyết số 68; trong đó, ngành bảo hiểm xã hội đã hoàn tất thủ tục, gửi thông báo đến 375.335 đơn vị đang sử dụng hơn 11,2 triệu lao động dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thời gian miễn đóng bảo hiểm áp dụng trong 12 tháng (đến hết tháng 6/2022).

"Đến nay đã thực hiện hỗ trợ 12,1 triệu lao động và gần 376.000 người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 5,7 nghìn tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ người dân thông qua chính sách giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp với quy mô trên 10.000 tỷ đồng"- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Các ngành, các cấp cũng đã hướng dẫn các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Hướng dẫn thực hiện chính sách lao động, tiền lương cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến thu nhập, tiền lương của người lao động.

Về văn hóa, xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã tích cực triển khai lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn hướng đến năm 2050; hướng dẫn các địa phương chuẩn bị tổ chức hoạt động nhân 74 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ dưới các hình thức phù hợp và thiết thực.

Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa với thông điệp "san sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" nhằm động viên tinh thần người dân và các lực lượng tuyến đầu có thêm niềm tin, sức mạnh để mau chóng chiến thắng dịch bệnh.

"Thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đến đúng đối tượng. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng"- Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Ngoài ra, báo cáo cho hay chỉ trong thời gian ngắn đã huy động được khoảng 18 triệu liều vắc xin để tiêm phòng miễn phí cho người dân, đặt ra mục tiêu tới tháng 4/2022 sẽ tiêm phòng khoảng 150 triệu liều cho khoảng 75% dân số. Điều này góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp về quyết tâm phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phản bác, chỉnh lý thông tin sai lệch về dịch bệnh

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong tháng 7 các cấp, ngành, địa phương đã chủ động, kịp thời truyền thông về diễn biến mới của dịch Covid-19 tại Việt Nam, thế giới và công tác ứng phó với dịch. Đồng thời phê phán các hành vi trục lợi từ dịch bệnh, xử lý các hành vi chống đối, làm trái quy định trong phòng chống dịch bệnh Covid-19; phản bác, chỉnh lý thông tin sai lệch về dịch bệnh và lợi dụng dịch bệnh để thông tin sai sự thật, xuyên tạc…

Thông tin về sự đánh giá tích cực của quốc tế về năng lực của Việt Nam và các biện pháp hiệu quả của Chính phủ trong công tác phòng ngừa dịch lây lan, chủ trương của Nhà nước trong việc đặt mua và tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19.