Quảng Trị:

Cuối năm nổi lửa làm mứt gừng

(Dân trí) - Cứ đến đầu tháng 12 âm lịch, người dân Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) lại bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu, nổi lửa làm mứt gừng để kịp thời cung cấp cho thị trường vào dịp Tết.

Sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh đã trở thành thương hiệu, không chỉ nức tiếng trên địa bàn Quảng Trị mà cả các thị trường tỉnh bạn bởi vị thơm ngon, cay nồng rất đặc trưng.

Đến Mỹ Chánh những ngày này, mọi người sẽ cảm nhận được mùi gừng thơm lan tỏa khắp xóm làng. Nhà nào cũng hối hả nổi lửa làm mứt để cung cấp ra thị trường dịp Tết.

Người dân nổi lửa làm mứt
Người dân nổi lửa làm mứt

Bà Hồ Thị Huế ở Mỹ Chánh cho biết, nghề làm mứt gừng đã có từ lâu. Các cụ thời xưa đã dày công tạo lập nên nghề này nên con cháu đời sau được thừa hưởng và luôn cố gắng phát huy nhằm đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn. Người dân làng Mỹ Chánh luôn tự hào bởi mứt gừng do họ làm ra đã có chỗ đứng trên thị trường, được mọi người sử dụng nhiều hơn.

Công đoạn tẩm đường
Công đoạn tẩm đường

Nhiều người dân từng gắn bó với làng nghề truyền thống này cũng cho rằng, điều quan trọng để tạo nên chất lượng và thương hiệu riêng của mứt gừng Mỹ Chánh chính là vị cay nồng, thơm, ngon đặc trưng. Ngoài ra, để làm ra loại mứt gừng thơm ngon đặc biệt này, người làng Mỹ Chánh cũng có những bí quyết riêng trong các khâu chế biến, tẩm ướp nguyên liệu, rim mứt, chế độ lửa nhóm bếp phù hợp...

Sản phẩm mứt gừng được bày biện hết sức bắt mắt (Ảnh: Kiều Oanh)
Sản phẩm mứt gừng được bày biện hết sức bắt mắt (Ảnh: Kiều Oanh)

Nguyên liệu quan trọng nhất để làm mứt là gừng tươi cũng được người dân Mỹ Chánh lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, chủ yếu lấy từ các tỉnh Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Kon Tum…Sỡ dĩ có sự khắt khe trong khâu lựa chọn nguyên liệu là vì gừng ở những địa phương này có độ cay nồng, thơm ngon đậm đà, mứt lại săn chắc và đặc biệt ít hao hụt khi chế biến. 

Hiện làng Mỹ Chánh có khoảng trên 30 còn giữ được nghề làm mứt gừng truyền thống. Bình quân mỗi vụ mứt tết gia đình làm nhiều sẽ đạt 10 - 12 tấn, gia đình ít thì cỡ 5 - 7 tấn. Việc lưu giữ làng nghề này đã mang lại nguồn thu nhập khấm khá cho người dân địa phương trước dịp Xuân về.

Đăng Đức