1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công bố quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM

(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa công bố Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Vùng TPHCM rộng đến 30.404 km2, bao gồm TPHCM và 7 tỉnh lân cận.

Công bố quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM - 1
Mô hình quy hoạch Vùng TPHCM.
 
Vùng TPHCM được quy hoạch phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, với TPHCM là đô thị hạt nhân nối kết với 7 tỉnh (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang) để trở thành một đô thị phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế.

Đây là mô hình quy hoạch vùng đô thị lớn lần đầu tiên được lập ra để làm tiền đề cơ sở cho việc phát triển TP và các tỉnh xung quanh với tầm nhìn tới năm 2050.

Vùng TPHCM sẽ có một đô thị hạt nhân (gồm TPHCM hiện tại và một số khu lân cận) và 5 cực phát triển với 5 vùng đô thị đối trọng bao gồm: Vùng đối trọng phía Đông Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu), vùng đô thị đối trọng phía Đông (Đồng Nai), Vùng đô thị đối trọng phía Bắc (Bình Phước), Vùng đô thị đối trọng phía Tây Bắc (Tây Ninh), Vùng đô thị đối trọng phía Tây Nam (Long An, Tiền Giang).

5 vùng đô thị đối trọng này sẽ được phát triển nối kết với đô thị hạt nhân bởi các trục hàng lang kinh tế hướng tâm (hướng về TPHCM) dựa vào các trục giao thông chính, tuần tự như sau: Quốc lộ 51, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22 - Xuyên á, Quốc lộ 1A đi Cần Thơ.

Đô thị hạt nhân với TPHCM hiện nay là trung tâm, các đô thị trong phạm vi bán kính 30km từ trung tâm này sẽ là các đô thị vệ tinh độc lập (TP Biên Hòa, TP Thủ Dầu Một) và các đô thị vệ tinh phụ thuộc (Nhơn Trạch, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Long Thành, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè; Cấn Giờ, Dĩ An - Thuận An…).

Không gian xây dựng trong bán kính cách trung tâm đô thị hạt nhân từ 30 km đến 50km là đô thị vùng phụ cận (Dầu Giây, Vĩnh Cửu, Tân Uyên, Mỹ Phước, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Giuộc). Đây là vùng các đô thị gắn kết với đường vành đai 3 và các trục hành lang kinh tế đô thị hướng tâm của vùng.

Trung tâm TPHCM và trung tâm TP Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm dịch vụ - tài chính - thương mại quốc tế. Các đô thị Bà Rịa, Long Khánh, Tam Phước, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Chơn Thành, Trảng Bàng, Mỹ Tho sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ cấp quốc gia - cấp vùng…

Dự báo dân số Vùng TPHCM đến năm 2020 sẽ là khoảng 20 - 22 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 16 - 17 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 28 - 30 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 25 - 27 triệu người.

Để đáp ứng sự phát triển của vùng, các quốc lộ hướng tâm hiện tại (Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22) sẽ được cải tạo, nâng cấp. Đoạn quốc lộ 50 từ Vành đai 1 vào khu vực nội thành TPHCM sẽ được cải tạo thành đường đô thị và xây thêm tuyến song hành.

Trong nội bộ vùng sẽ xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc có năng lực thông xe lớn: TPHCM - Vũng Tàu, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Trung Lương - Cần Thơ, đường cao tốc liên vùng phía Nam TPHCM - Nhơn Trạch.

Các tỉnh lộ hiện tại cũng sẽ được nâng cấp, xây dựng nhiều tỉnh lộ mới. Cải tạo mạng lưới đường sắt Quốc gia và hệ thống ga trong vùng theo hướng hiện đại.

Cải tạo luồng tàu và lắp đặt hệ thống giao thông hàng hải trên sông Lòng Tàu, Soài Rạp. Đồng thời xây dựng mạng lưới cảng biển phù hợp với quy hoạch cảng biển cả vùng.

Ngoài ra, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng sẽ được cải tạo thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới với công suất 9 triệu hành khách/năm vào năm 2010, năm 2020 đạt công suất 20 triệu hành khách/năm.

Đồng thời, xây dựng thêm Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), Sân bay Gò Găng (Vũng Tàu), nâng cấp sân bay Cỏ ống (Côn Đảo), xây dựng sân bay trực thăng trong đô thị.

Tùng Nguyên