1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

“Có kho thóc tình thương, dân vùng cao chúng tôi không sợ bị đói”

(Dân trí) - Từ năm 2008 đến nay, nhờ có phong trào “kho thóc tình thương” mà bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) không còn nỗi lo bị đói mỗi khi mùa mưa lũ về.

“Có kho thóc tình thương, dân vùng cao chúng tôi không sợ bị đói” - 1
Kho thóc tình thương ở thôn Bha’lừa, xã Lăng (Tây Giang).
 
Năm 2008, xuất phát từ thực tế cứ đến mùa mưa bão, đường về miền cao Tây Giang thường bị sạt lở và cô lập nên chính quyền địa phương đã phát động toàn dân xây dựng “kho thóc tình thương” tại 10/10 xã của huyện và xuống tận các thôn bản.

Từ đó đến nay, cứ vào mùa thu hoạch rẫy là bà con lại gù những gù thóc đến kho nộp. Tùy từng nhà, từng năm, được mùa hay mất mùa mà góp nhiều hay ít.

Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang kể lại: Đợt mưa bão giữa tháng 11/2007, 6/10 xã trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, 4 xã biên giới khu 7 là Tr’Hy, A Xan, Ga Ry và Ch’ơm bị cô lập hơn 1 tháng rưỡi do ách tắc giao thông, hàng nghìn hộ dân và các em học sinh thiếu ăn do bị tắc đường. Sau đó, nhằm đảm bảo lương thực cho người dân trong mùa mưa lũ nên huyện phát động chương trình này.

Năm 2009, đặc biệt là trong trận lũ do bão số 9, Tây Giang bị sạt lở và bị chia cắt nhiều ngày. Khi đó, đồng bào tại nhiều thôn của các xã biên giới bị cô lập, thiếu ăn; các đoàn cứu trợ không thể tiếp cận được để cứu đói. May mà bà con đã xây dựng được các kho thóc cộng đồng để cứu đói cho đồng bào, già làng và thôn trưởng mở kho, giải quyết cái đói trước mắt cho bà con. Nhờ vậy ở nhiều thôn, sau nhiều ngày bị chia cắt, người dân đã vượt qua khó khăn.

Theo ông Bhling Mia, việc xây dựng kho thóc cộng đồng trong đồng bào dân tộc Cơ tu huyện Tây Giang xuất phát từ thực tế khó khăn của địa phương và phong tục góp thóc tạo “quỹ lúa rẫy” của đồng bào.

Ông Z’râm Hon (thôn A’Rơh, xã Lăng) cho biết: “Bà con ai cũng tham gia đóng góp lúa gạo vào kho. Tùy từng nhà, từng năm được hay mất mùa mà đóng góp nhiều hay ít để dành vào đó. Lúa thóc đó là của để dành của cả thôn. Thôn sẽ phân chia cho các nhà có người bị ốm, bị thiên tai hay thiếu ăn do thất mùa”.
 
“Có kho thóc tình thương, dân vùng cao chúng tôi không sợ bị đói” - 2
Khi đường sá bị sạt lở, giao thông ách tắc thì người dân lấy thóc từ kho để ăn.

Nhận thấy đây là mô hình thiết thực, cần được nhân rộng, nhất là sau khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động phong trào xây dựng “Hũ gạo tình thương”, Hội Chữ thập đỏ huyện Tây Giang đã vận dụng, nhân rộng “quỹ lúa rẫy”, mỗi năm huy động từ 2 - 2,5 tấn thóc từ các kho trong toàn huyện.

Từ năm 2008, Hội chữ thập đỏ huyện đã hướng dẫn các Hội và Chi hội cơ sở xây dựng “kho thóc tình thương” tại các xã. Đến nay 10/10 xã của Tây Giang đã xây dựng được “kho thóc tình thương” do Hội chữ thập đỏ xã đứng ra vận động, quản lý. Đây là nguồn dự trữ lúa gạo khá lớn (khoảng 10 tấn/năm) được huy động trên cơ sở tự nguyện đóng góp của cộng đồng dùng để cứu đói, hỗ trợ cho đồng bào trong vùng mỗi khi bị thiếu ăn hoặc bị thiên tai, đau ốm...

Đánh giá về tính hiệu quả của “kho thóc tình thương”, ông Bhling Mia cho rằng, mô hình khá độc đáo, thể hiện tính sáng tạo rất thiết thực, phù hợp với thực tế khó khăn của địa phương, nhất là trong điều kiện của huyện có đến 8 xã biên giới giáp với nước bạn Lào, địa hình dễ bị sạt lở, chia cắt khi có mưa lũ, trong khi đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. “Có kho thóc tình thương, dân vùng cao chúng tôi không sợ bị đói”, ông Bhling Mia nói.

Qua trận lũ do bão số 9 năm 2009 gây ra, người dân và chính quyền huyện Tây Giang càng thấm thía và nhận thấy tác dụng hữu ích của “kho thóc tình thương”. Vì vậy, hiện nay UBND huyện đang chỉ đạo các xã, thôn và Hội Chữ thập đỏ tiếp tục tuyên truyền vận động, huy động thêm nhiều nguồn lực của xã hội và trong đồng bào để xây dựng “kho thóc tình thương”.

Có thể nói “quỹ lúa rẫy” hay “kho thóc tình thương” thực sự đã phát huy hiệu quả trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Cơ tu huyện Tây Giang. Thóc lúa từ trong kho sẽ là nguồn dự trữ để cứu đói cho đồng bào khi khó khăn. Tuy nhiên, ngoài vai trò đó, đây còn là một hình thức để kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng đồng bào Cơ tu Tây Giang.

Công Bính