1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Điện Biên:

Cơ chế nào để bảo vệ “rừng Đại tướng”?

(Dân trí) - Quản lý, bảo vệ tốt, mỗi năm một người dân được trả 10.000 đồng/ha rừng. Để thoát khỏi cơ chế “bèo bọt” này, họ đồng loạt quyết định trả lại rừng, chấm dứt hợp đồng bảo vệ và hậu quả nhãn tiền là lâm tặc trở lại…

Điều đặc biệt, khu rừng được nói đến này có tên là Mường Phăng - Di tích lịch sử cấp Quốc gia - một thời là Đại bản doanh Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Với ý nghĩa lịch sử này nên người dân ở đây vẫn gọi khu rừng này bằng những cái tên trìu mến “rừng Đại tướng”, “rừng chỉ huy”, “rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”…

Đã có hẹn trước, buổi làm việc tại trụ sở UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, đủ bộ lễ từ Phó chủ tịch UBND Lò Văn Xúm, Trưởng công an Lường Văn Bích, cán bộ bảo lâm Lò Văn Yên, cán bộ văn phòng Quàng Văn Việt đã có mặt để đón chúng tôi.

Ông Xúm cho biết: Một lúc 6 người trong tổ bảo vệ rừng Mường Phăng đồng loạt đơn phương chấm dứt hợp đồng, trả lại rừng đã đẩy xã vào thế bí. Đùn đi đẩy lại cuối cùng xã quyết định phân công cho công an xã làm thêm nhiệm vụ giữ rừng dù biết như thế là hơi “tréo” so với chức năng nhiệm vụ.

Giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thôn xóm, bản làng, bảo vệ chính quyền…quá nhiều việc phải làm, nay lại lại “cõng” thêm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 274 ha rừng nên không làm xuể - ông Bích, Trưởng công an xã than thở vậy để chống chế cho việc lâm tặc phá rừng trong thời gian qua.

Từ lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trung tâm Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ chúng tôi đi bộ khoảng 800 m để đến khu vực Pá Hốc Khiêu thuộc tiểu khu 709 rừng Mường Phăng.

Tại đây, những cây gỗ một người ôm không xuể bị chặt hạ nằm dài trên mặt đất. Phía trên sườn núi, lâm tặc phát gọn gẽ một bãi đất để dựng lều, căng bạt làm nơi xẻ gỗ. Cách đó không xa một cây xoan đào chừng trăm tuổi có đường kính hơn 1 m bị hạ chỉ còn trơ gốc.

Cây lớn lâm tặc đốn xuống vào ban ngày và tiến hành cưa xẻ thành hộp vào ban đêm sau đó tẩu tán khỏi rừng nhưng chẳng mấy khi lực lượng bảo vệ phát hiện kịp để còn ngăn chặn. Nếu có phát hiện thì đều đã muộn - anh Yên, cán bộ bảo lâm xã cho biết như vậy. 

Ngay đến chuyện phá rừng làm nương rẫy cũng vậy, mọi chuyện đều được phát hiện khi đã muộn. Thửa ruộng bậc thang rộng chừng một ha dưới chân đồi, cạnh suối Pá Hốc Khiêu là của ông Cà Văn Pưng cũng do phá rừng làm rẫy mà có.

Thửa ruộng bậc thang này hết chất đất nên ông Pưng bỏ không thương tiếc cho cỏ dại mọc um tùm. Nghe nói, bây giờ,  ông Pưng đã cùng con trai sang bên kia đồi để phá đám rừng khác làm rẫy mới.

Loanh quanh vùng rừng sát ngay trung tâm Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đến đâu cũng thấy máu rừng đang chảy và rừng đang bị “rút ruột” dần. Những gốc cây bị đốn hạ vẫn còn tươi nhựa chứng tỏ lâm tặc cũng vừa qua đây nhưng tại sao không ai phát hiện?

Trả lời câu hỏi này, ông Xúm cho biết, ngày 7/4 vừa rồi, công an và các lực lượng chức năng đã phát hiện 1 vụ phá rừng ở Mường Phăng nhưng chỉ thu được 9 hộp gỗ sữa còn lâm tặc phá rừng thì chẳng tóm được ai…

Chuyện chống phá rừng và bắt lâm tặc ở Mường Phăng xem ra ai cũng “ngán” vì sợ bị trả thù. Đơn cử, bảo lâm viên Lò Văn Yên bị lâm tặc dằn mặt bằng cách giết thịt mất hai con trâu. Mới đây vào tháng 4/2008, con trâu nhốt dưới gầm nhà sàn của công an viên Lù Văn Hơn cũng bị bọn lâm tặc trả thù bằng việc cắt đứt gân chân.

Nhiều cán bộ khác cũng hăng say chống phá rừng và rồi đều bị trả thù theo nhiều kiểu khác nhau như phá nương lúa, nương ngô, trộm lượng thực…

Chuyện khu rừng mang nhiều ý nghĩa tên Mường Phăng đang bị “chảy máu” là điều không cần nói nhiều. Tuy nhiên, vì sao những người bảo vệ không hồ hởi giữ rừng để lâm tặc lộng hành cần tìm được lời giải đáp.

Trang Yến