1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Chuyên gia nêu lý do TPHCM cần phát triển phía Tây Bắc hơn hướng biển

Q.Huy Tâm Linh

(Dân trí) - KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý, TPHCM nên ưu tiên định hướng phát triển về phía vùng Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 vì những nguyên nhân về môi trường và nhu cầu đô thị hóa.

Đề xuất được KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu tại hội nghị của UBND TPHCM lấy ý kiến chuyên gia về điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, ngày 25/11.

"Ngay lúc này tôi cho rằng cần ưu tiên phát triển dồn về phía Tây Bắc thành phố có vị trí cao hơn so với mực nước biển. Việc này vừa giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, với nhà cao tầng và mật độ lớn thì nên tập trung về vùng đất cao, sẽ không bị áp lực về ứng phó thay đổi môi trường", KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.

Chuyên gia nêu lý do TPHCM cần phát triển phía Tây Bắc hơn hướng biển - 1

Diện mạo khu đô thị An Sương phía quận 12, giáp Củ Chi (Ảnh: Hoàng Quy).

Theo KTS Nam Sơn, phương án trên vừa giúp thành phố giãn dân ở khu vực nội thành, vừa giúp giảm thiệt hại hơn khi ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao. Khi đó, thành phố sẽ giảm đi áp lực để giải quyết các hậu quả về môi trường, tốn kém về sau.

Bên cạnh vấn đề trên, tại hội nghị, đề xuất phát triển thành phố theo mô hình tập trung - đa trung tâm cũng được đưa ra. KTS Ngô Viết Nam Sơn đã có góp ý chi tiết.

Theo KTS, trước hết, trong đa trung tâm cần làm rõ mục tiêu thứ nhất là cung ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho mọi khu vực lớn nhỏ trong nó.

"Khi nói đến đa trung tâm thì các thành phố xung quanh cũng cần phải có hạ tầng kỹ thuật y như nội thành (bệnh viện, trường học…), giờ phải xem những thành phố nhỏ đã có chưa, chỗ nào thiếu thì phải quy hoạch", ông Nam Sơn nói.

Thứ hai, đa trung tâm phải có định hướng. Chẳng hạn, vùng đô thị phía Nam thành phố (quận 4, 7...) và vùng đô thị Cần Giờ nên nhập chung vào thành một khu đô thị phía Nam và nên đầu tư lâu dài trong tương lai. Sau này, khi khu nam nói trên xứng tầm thì tách ra.

Như vậy, theo góp ý của KTS Ngô Viết Nam Sơn, trong tương lai TPHCM có 5 khu vực: nội thành trung tâm, thành phố phía Đông, phía Bắc, phía Tây và phía Nam.

"Trong những đô thị đa trung tâm, thành phố con không phát triển theo điểm mà phát triển theo tuyến, vì thế mạnh của thành phố là TP Thủ Đức kết nối về phía sân bay Long Thành, cao nguyên phía Bắc; TP phía Bắc thì nối về Campuchia; phía Tây nối về đồng bằng sông Cửu Long và phía Nam nối về biển Cần Giờ", KTS nói thêm.

Chuyên gia nêu lý do TPHCM cần phát triển phía Tây Bắc hơn hướng biển - 2

Ảnh vệ tinh và phối cảnh tương lai của khu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai, nơi sẽ chắp cánh cho khu đô thị phía Nam TPHCM phát triển (Ảnh: Portcoast).

Trước đó, theo dự thảo quy hoạch chung TPHCM do đơn vị tư vấn trình bày, thành phố được tổ chức 5 vùng đô thị.

Thứ nhất, vùng đô thị trung tâm hiện hữu với 5-6 triệu dân, là khu hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo…

Vùng này gồm vùng Sài Gòn, vùng Chợ Lớn, khu vực Bình Thạnh, sân bay Tân Sơn Nhất, Bình Quới - Thanh Đa, phía Đông Nam quận 12, phía Đông và phía Tây quận Gò Vấp, phía Tây Nam quận 12, vùng phía Tây khu đô thị trung tâm.

Thứ hai là TP Thủ Đức với 3 triệu người, trọng tâm là đô thị sáng tạo, giáo dục, đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, y tế, du lịch sinh thái…

Thứ ba là TP phía Bắc với 4-5 triệu người, là vùng đô thị dịch vụ giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp dẫn dắt, hỗ trợ và đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường…

Khu vực này gồm phía Tây Nam huyện Hóc Môn, khu vực nằm trong quốc lộ 1A, 22, đường Lê Văn Khương thuộc quận 12, huyện Hóc Môn, trung tâm Hóc Môn, phía Tây Hóc Môn, trung tâm phát triển mới quận 12 - huyện Hóc Môn, phía Tây đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn), khu đô thị hiện hữu Củ Chi, Tây Nam - Đông Nam Củ Chi, khu sinh thái Củ Chi, công viên sinh thái lâm nghiệp, công nghiệp Củ Chi, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, Đông Bắc Củ Chi.

Thứ 4 là TP phía Tây với 2-3 triệu dân, là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo...

Vùng này gồm khu vực xã Tân Nhựt - Lê Minh Xuân, khu vực nằm giữa quốc lộ 1 và đường Tân Tạo - Chợ Đệm, khu Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Bình Lợi - Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Tân Túc, phía Nam đường Vành đai 3 thuộc huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.

Thứ 5 là TP phía Nam với 3-4 triệu người, là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển…

Vùng này gồm khu vực phía Nam kênh Đôi, phía Đông sông Cần Giuộc đến rạch Ông Lớn, phía Tây đường Nguyễn Hữu Thọ, phía Đông đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc quận 7; khu Long Thới, Hiệp Phước, Bình Khánh, khu đô thị gắn với cảng Bình Khánh, khu sinh thái nông nghiệp - du lịch, khu đô thị Cần Thạnh, khu đô thị lấn biển thuộc huyện đảo Cần Giờ.