1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện chưa kể về đoàn thám hiểm hang động lớn nhất thế giới

(Dân trí) - Sự kiện về hang động lớn nhất thế giới được khám phá tại Quảng Bình gắn liền với một đoàn thám hiểm hang động đến từ nước Anh. Họ lặng lẽ làm công việc thám hiểm với 12 chuyến đi trong suốt 19 năm qua tại Việt nam. Họ là ai?

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với trưởng đoàn thám hiểm - bác sĩ Howard Limbert - và được ông chia sẻ những câu chuyện chưa bao giờ kể trong hành trình khám phá hang động lớn nhất thế giới, hang Sơn Đoòng, vừa được phát hiện tại Quảng Bình - Việt Nam. Và bài viết dưới đây ghi lại theo lời kể của ông Howard.

Ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp của Việt Nam

Khám phá hang động là một hoạt động rất được ưa thích ở Anh. Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh có rất nhiều thành viên (tới hàng vạn người), họ chia thành nhiều nhóm, nhóm của Howard Limbert nằm trong số đó, mỗi nhóm khám phá một quốc gia.

Trong nhóm của Howard Limbert, các thành viên có công việc, tuổi tác và cuộc sống khác nhau và ở cũng rất xa nhau trên đất nước Anh, có người làm việc ở nước ngoài như Trung Quốc, Úc, Newzeland... người là nông dân (Watto), người là lính cứu hoả (Martin), người là tiến sĩ Vật lý (Chris), người là đầu bếp (Andy) hay người là bác sĩ như vợ chồng Howard và Deb - trưởng đoàn… Tất cả đều có cùng một đam mê để đến với nhau: khám phá hang động.
 
Chuyện chưa kể về đoàn thám hiểm hang động lớn nhất thế giới  - 1
Khám phá hang động - niềm đam mê đưa họ đến với nhau

Trả lời phóng viên VTV4 trong lần thám hiểm năm 2005 cho câu hỏi, tại sao ông lại đi thám hiểm hang động? Howard nói đơn giản: “Mọi người chơi thể thao. Người chơi golf, người chơi tennis, bóng đá, người đi xe đạp... còn chúng tôi đi thám hiểm hang động!”.

Đến Việt nam cũng là một câu chuyện thú vị, trước khi thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên vào năm 1990, Howard đã viết thư tới ba quốc gia: Lào, Việt Nam và Myanmar xin phép được vào thám hiểm khám phá hang động tại các quốc gia đó. Lào và Myanmar đã trả lời là rất khó khăn và hãy quay lại sau này khi tình hình tốt hơn.

Riêng Việt Nam, đứng ra là Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), đã trả lời chấp thuận cùng với nhiều câu chuyện về hang động, đặc biệt ở tỉnh Quảng Bình, quê hương của một số người trong khoa Địa lý của trường. Trong những người đó, Giáo sư Nguyễn Quang Mỹ và Phan Duy Ngà đã là những người chủ chốt trong việc nghiên cứu địa tầng đá vôi cát tơ (Karst) trong dãy núi Kẻ Bàng. Sau khi được phép vào thám hiểm, tất cả bạn bè của Howard đã lên kế hoạch để sang Việt Nam, một nơi họ chưa từng khám phá. Và giấc mơ Việt Nam được hình thành.

Ngay từ chuyến đầu tiên nhóm của Howard đến Việt Nam năm 1990, tất cả các thành viên đã ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp của đất nước và sự tuyệt vời của con người Việt Nam. Và nhóm phát hiện Việt Nm là một quốc gia có hệ thống hang động đẹp bậc nhất thế giới.

Trên 12 chuyến khám phá tiếp sau đó từ năm 1990 đến nay, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, họ đã có cơ hội để thực hiện tất cả các chuyến khám phá đầy kinh ngạc ở Việt Nam (từ Quảng Bình ra các tỉnh phía Bắc, nơi có hệ thống hang động của núi đá vôi). Họ cũng được hỗ trợ nhiệt tình bởi nhân dân địa phương để tìm đường, hướng dẫn trong việc khám phá và vẽ bản đồ hệ thống các hang động ở Việt Nam.

Ấn tượng về đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Tại Anh, tất cả các thành viên của đoàn đều có công việc bình thường, không ai vì lợi nhuận trong việc thám hiểm hang động. Để có thời gian sang Việt Nam, mọi người phải dành các ngày nghỉ phép và tiền tích luỹ cho việc khám phá hang động, mọi chi phí đoàn phải tự túc. Đó cũng là lý do họ cần 2 năm tích luỹ cho một chuyến thám hiểm (Hai năm một lần đoàn sang Việt Nam).
Chuyện chưa kể về đoàn thám hiểm hang động lớn nhất thế giới  - 2
"Có thể chúng tôi lại tìm được hang động lớn hơn trong lần khám phá tiếp theo..."
 
Thực tế, trong thời gian làm việc tại nước Anh, họ vẫn thường xuyên hoạt động thám hiểm hang động. Vào cuối tuần, các thành viên tụ về vùng núi của nước Anh (Ingleton Yorkshire) cùng nhau đi “đào” hang động ở đó, nhưng các hang rất nhỏ, thường là các dòng chảy ngầm dưới lòng núi, bên trên là các cánh đồng cỏ mênh mông và tất nhiên là không so sánh được với hang động kỳ bí mà họ đã khám phá được tại Việt Nam.

Nói về sự hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, Howard chia sẻ: “Thật vui mừng khi là thành viên với trường Đại học Quốc gia Hà Nội và chúng tôi hy vọng sự hợp tác sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm nữa”.

Trong 19 năm qua đoàn đã khám phá, vẽ bản đồ và chụp ảnh trên 128 km các hang động tại tỉnh Quảng Bình. Khu vực dãy núi Kẻ Bàng đã trở thành vườn Quốc gia và là Di sản thiên nhiên thế giới. “Chúng tôi tự hào đã được tham gia góp phần nhỏ bé vào quá trình đó. Điều này sẽ cho phép Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được bảo tồn tốt hơn và hy vọng có được nguồn tài chính thuận lợi cho việc bảo tồn trong nhiều thế hệ tiếp theo”, Howard nói.

Năm 1992, hai vợ chồng Howard và Deb có cơ hội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng Phong Nha. “Ông là một con người tuyệt vời và dường như rất thích thú với công việc nghiên cứu của chúng tôi. Ông đã viết cho tôi lời giới thiệu cho ấn phẩm Caving Expedition xuất bản năm 1992 có đoạn: Việc khám phá các hang động đá vôi cho du lịch, kinh tế và khoa học là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải được thực hiện thật cẩn trọng. Luôn luôn phải chú ý vấn đề bảo vệ môi trường” Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Xuân 1993”.

“Chúng tôi có rất nhiều may mắn trong việc khám phá ra một số nơi tuyệt vời nhất Việt Nam. Chúng tôi khám phá ra hang động có dòng sông ngầm dài nhất thế giới là hang Khe Ry năm 1997 cũng như năm 2009 tìm ra hang Sơn Đoòng, hang được tin tưởng là hang lớn nhất hành tinh này.

Liệu ai biết được có thể chúng tôi lại tìm được hang động lớn hơn trong lần khám phá tiếp theo? Đó là lý do mà tất cả chúng tôi trông chờ chuyến đi lần tới tới Việt Nam, theo kế hoạch sẽ là 2010. Các thành viên trong đoàn đã tham gia năm 2009 sẽ quay lại vào năm 2010 và hy vọng khám phá được nhiều hang động đầy quyến rũ.” - bác sĩ Howard hào hứng với kế hoạch mới.

Đặng Vân Phúc
(Ghi theo lời kể của bác sĩ Howard Limbert)