1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Chuyên án 789S và hành trình tóm “sưa tặc”

(Dân trí) - Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và trinh sát Công an Hà Nội được tung vào cuộc để tóm “sưa tặc” nhằm chấm dứt nỗi bức xúc của người dân Thủ đô, khi hằng đêm phải chứng kiến cảnh bọn chúng vác cưa máy đi triệt hạ cây gỗ sưa.

Chuyên án mang bí số 789S

Theo điều tra của Công an Hà Nội, từ giữa năm 2007, gỗ sưa trở nên có giá do thị trường Trung Quốc chuộng loại gỗ này để đóng đồ thờ cúng, làm đình chùa, phục chế các công trình cổ… Chính vì thế, thời gian này cũng xảy ra cơn sốt buôn bán, chặt phá, tiêu thụ gỗ sưa. Tuy nhiên, do các cơ quan chức năng đấu tranh, trấn áp mạnh (điển hình là vụ bắt giữ 13 tấn gỗ sưa tại làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh vào ngày 31/7/2007) nên thị trường buôn bán gỗ sưa không còn sôi động, việc tiêu thụ gỗ sưa trở nên khó khăn kéo theo hoạt động chặt trộm sưa cũng chấm dứt.

Đến tháng 8/2009, do nhu cầu tiêu thụ gỗ sưa từ phía Trung Quốc tăng đột ngột, đẩy giá gỗ sưa lên tới 1,9 triệu đồng/kg đã tạo “cơn sốt” gỗ và kích thích các đối tượng tìm kiếm, chặt phá, buôn bán gỗ sưa.

Trước tình hình phức tạp trên, Công an Hà Nội đã lập chuyên án trinh sát mang bí số 789S huy động tất cả các đơn vị thuộc CATP tham gia phá án. Các mũi trinh sát của PC 15 đã có mặt tại các tỉnh biên giới để tìm hiểu đường đi của gỗ sưa.

Khoảng 17h ngày 17/9, qua nguồn tin cơ sở, Công an Hà Nội xác định được một nhóm đối tượng là người xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội chuyên tụ tập mang theo cưa máy đi trộm cắp vào ban đêm. Xác minh thêm, thời gian nhóm này hành sự trùng khớp với những vụ việc cây sưa bị cưa trộm trên địa bàn. Danh sách gần 30 đối tượng được “dựng” lên.

Từ danh sách này, tối 19/9 cho đến sáng 20/9, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã tham gia phá án, đồng loạt bắt, khám xét nơi ở 29 đối tượng. 20 đối tượng đã bị bắt giữ, 9 đối tượng bỏ trốn.
 
Chuyên án 789S và hành trình tóm “sưa tặc” - 1

Các đối tượng trong băng nhóm trộm sưa cùng một số người liên quan bị công an triệu tập và tang vật.
 
Hành trình phạm tội của nhóm “sưa tặc”

Điều tra, khai thác bước đầu cho thấy, nổi lên trong đám “lâm tặc” là Nguyễn Văn Tuấn (SN 1986) từng có một tiền án. Dù ít tuổi nhưng Tuấn đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo đàn em gây ra 7 vụ cưa trộm cây sưa từ ngày 29/7 đến ngày 8/9.

Cụ thể, đêm 29/7, Tuấn cùng 3 đàn em là Phạm Văn Dũng, Nguyễn Bá Kiệm, Đào Trọng Sơn đi taxi đến vườn hoa mini Thanh Xuân Bắc cưa và lấy đi một khúc gỗ sưa có đường kính 20cm. Chúng đem bán và chia nhau, mỗi tên được 3 triệu đồng.
 
2h đêm 28/8, Tuấn cùng 3 đàn em tiếp tục đi taxi vào khu vực phía sau Bệnh viện 198 cưa và lấy đi 1,2m cây sưa trồng tại đây.

Sau đó, thông qua đối tượng tên Tuấn “Bình Đà”, Tuấn bán khúc gỗ này cho một người ở Vân Nội lấy 1,5 triệu đồng. Cũng đêm đó, bọn Tuấn còn “khoắng” thêm 2 cây cảnh ở khu vực La Khê, Hà Đông và tiêu thụ qua Tuấn “Bình Đà” lấy 5 triệu đồng.

Hai ngày sau đó, Tuấn, Kiệm, Sơn và Lê Quang Diễn lại đi taxi đến một ngõ gần cầu vượt Mai Dịch để trộm cây sưa nhưng bị nhân dân phát hiện nên cả nhóm bỏ chạy.

Sau vụ bị “bắt hụt” 3 ngày, Tuấn chỉ đạo Phạm Quang Dũng, Đào Trọng Sơn, Lê Quang Diễn đi xe máy đến khu vực vườn ươm xã Minh Khai, Từ Liêm “hành sự”. Khi bọn chúng đang cưa trộm lại bị người dân phát hiện nên đã bỏ chạy. “Vận đen” tiếp tục đeo đuổi khi hai đàn em của Tuấn lại cưa trộm cây bất thành tại Từ Liêm rạng sáng ngày 3/9.

Không “chùn tay”, 3h sáng ngày 5/9, Nguyễn Xuân Tuấn cùng “ê kíp” khác là Phạm Văn Dũng, Đỗ Văn Mạnh và đối tượng tên Thịnh đi xe taxi do Đào Văn Bình chở đến gần cổng Công viên Thống Nhất, trèo tường vào trong lấy đi 2 đoạn cây sưa có đường kính 25cm. Số gỗ này Tuấn đem bán cho Nguyễn Văn Phúc được 19 triệu.

Táo tợn hơn, Tuấn còn cùng Kiệm, Đào Duy Hệ (Xã), Nguyễn Văn Nghĩa và Đào Văn Đằng đi xe taxi do Đào Quang Thi lái đến sân nhà K16 - K17 KTT Bách Khoa và “tấn công” một cây sưa cổ thụ có đường kính gốc khá lớn. Tuấn ngang nhiên sử dụng cưa máy để cưa cây và dùng kiếm đe dọa một số người dân.

Không lấy đi được hết cây cổ thụ trên nhưng với khúc sưa này, thông qua “môi giới” Lê Quang Thạch, một “đàn em” của Tuấn là Nguyễn Văn Thường (tức Cường thăm) đã bán được tới 80 triệu đồng cho một đối tượng ở Bắc Ninh.

Cũng với thủ đoạn di chuyển và vận chuyển gỗ bằng taxi để tránh sự phát hiện của CSCĐ tuần tra ban đêm, khoảng tháng 7/2009 Nguyễn Bá Kiệm, Nguyễn Văn Nghĩa, Đào Duy Hệ (Xã) và Đào Văn Dũng đã cưa trộm một cây sưa ven đường Thanh Xuân làm 2 đoạn sau đó đem bán lấy 9 triệu đồng tiêu xài.

Tuy nhiên, vụ “kinh điển” nhất mà nhóm lâm tặc này thực hiện là vụ trộm sưa tại khu tập thể Kim Giang, Thanh Xuân.

Theo các nhân chứng kể lại, trong vụ việc này, lâm tặc chẳng những đã dùng kiếm uy hiếp người dân mà còn dùng cả dây thép khóa chặt một nhà dân khi biết bị phát hiện. Cơ quan công an đã làm rõ, khoảng 2h sáng ngày 16/8, Đào Văn Đằng cùng các tên Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Nghĩa và 2 đối tượng quê Vĩnh Phúc đến khu vực nhà D2 Tập thể Kim Giang, Thanh Xuân sử dụng cưa máy lấy đi 2m cây sưa có đường kính 30cm. Đằng đem bán cho Nguyễn Văn Phúc được 9 triệu đồng…

Sau khi tóm gọn nhóm “sưa tặc” này, cơ bản các vụ chặt trộm sưa trên địa bàn Hà Nội được làm rõ. Công an Hà Nội hiện đã bắt giữ 20 đối tượng và đang tiếp tục kêu gọi những đối tượng lẩn trốn ra đầu thú. 

Phúc Hưng