Long An:

Chủ tịch huyện bị tù vẫn được... lên lương

Liên quan đến một đường dây buôn lậu, ông chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) huyện bị mất chức và bị tòa án xử 3 năm tù cho hưởng án treo. Trong quãng thời gian thụ án, ông vẫn tranh thủ đi học... đại học luật. Có bằng cấp trong tay lại còn được đề bạt, lên lương.

Vào năm 1998, dư luận cả nước từng xôn xao về một vụ án buôn lậu qua biên giới quy mô lớn xảy ra ở tỉnh Long An. Ông Nguyễn Văn Nhị (sinh năm 1954) - Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ bị kết tội "buôn lậu" và vụ án đã được đưa ra xét xử.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1760 vào các ngày 1-2-3/10/1998, TAND tối cao tại TPHCM đã tuyên phạt ông Nhị mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách là 5 năm). Mất chức, phải thi hành án nhưng tranh thủ khoảng thời gian này, ông Nhị đi học đại học luật và đều đặn cắp sách tới trường cho đến lúc tốt nghiệp.

Ngày 6/1/1999, còn trong thời hạn ông Nhị đang thi hành bản án, không hiểu sao UBND huyện Đức Huệ lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh Long An, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh "xem xét chiếu cố" cho ông Nguyễn Văn Nhị được xếp lại ngạch 01.002 và bậc lương phù hợp với thời gian, thực tế “để khỏi thiệt thòi về quyền lợi...''.

Một thời gian sau khi được "chiếu cố", ngày 16/6/2003, UBND tỉnh Long An ra quyết định số 2086/QĐ-UB nâng tiếp lương cho ông Nhị, từ ngạch 01.002: bậc 6 (hệ số 4,75) lên bậåc 7 (hệ số 5,03), thời gian hưởng lương mới kể từ 1/3/2003. Điều này là bất hợp lý và gây rất nhiều bức xúc trong dư luận địa phương. Tại sao một người đang bị phạt tù vẫn được nâng lương?

Trong khi theo khoản 5, điều 5 Nghị định 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000, việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo được quy định như sau: "Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, thì thời gian thử thách cũng được tính là thời gian công tác, thời gian tại ngũ, nhưng không được tính vào thời gian xét nâng lương, phong quân hàm theo niên hạn. Thời gian thử thách được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án".

Một cán bộ lãnh đạo tại huyện Đức Huệ nói: "Sự việc hết sức trớ trêu là ông Nhị từ thời gian bị đình chỉ công tác để điều tra cho đến thời gian ở tù treo đều được xe đưa đón đi học đại học luật, có bằng cấp lại được xếp lương lên chuyên viên chính; trong khi chúng tôi đầu tắt mặt tối với công việc thì chẳng mấy ai ngó ngàng... Vấn đề khi đưa ra tập thể giải quyết thì biết là sai nhưng không thấy sửa ".

Trong lúc mọi việc vẫn chưa ngã ngũ, không biết nhân sự của huyện Đức Huệ thiếu thốn đến mức nào mà ngày 8/6/2004, Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ lại ra quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nhị về đảm trách chức Trưởng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ theo cơ chế một cửa của huyện, và đương nhiên ông Nhị được hưởng mức lương chuyên viên chính.

Tại cuộc họp ngày 21/4/2005 giữa lãnh đạo Sở Nội vụ Long An và UBND huyện Đức Huệ, việc xếp lương bất hợp lý cho ông Nguyễn Văn Nhị đã được đưa ra bàn bạc. Ông Lê Vinh - Phó giám đốc Sở Nội vụ phát biểu: "Tại công văn số 1274/CV-UB ngày 5/4/2005 của UBND tỉnh Long An xác định việc bố trí lại công tác cho ông Nhị là đúng, việc xếp ngạch, bậc, hệ số lương của ông Nhị không hợp lý gây thắc mắc trong nội bộ huyện, UNND tỉnh giao nhiệm vụ cho Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì làm việc với thường trực Huyện ủy, UBND huyện Đức Huệ và các ngành chức năng liên quan, để sắp xếp lại ngạch, bậc lương của ông Nhị tương ứng với công việc".

Còn ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ thì cho rằng: Ban Thường vụ Huyện ủy không có ý kiến vì việc xếp lương của ông Nhị khi bố trí lại công tác không thông qua Ban Thường vụ Huyện ủy (?!).

Trao đổi với báo chí ngày 9/6/2005, ông Đặng Văn Điểu - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An cho biết: “Hiện xung quanh việc xếp lương cho ông Nguyễn Văn Nhị thời gian qua có nhiều dư luận không đồng tình, Sở Nội vụ tỉnh Long An, UBND huyện Đức Huệ đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh yêu cầu rà soát lại toàn bộ hồ sơ và chúng tôi đang cho tiến hành điều chỉnh lại cho phù hợp, kể cả phải trừ thời gian bị phạt tù nhưng vẫn được nâng lương trước đây để đem lại sự công bằng”.

Hy vọng rằng chuyện lạ ở Long An sẽ sớm kết thúc và cũng là bài học kinh nghiệm chung cho một số địa phương khác.

Theo Thanh niên