1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cấm tàu gỗ, người dân xã đảo ở Quy Nhơn gặp khó

Doãn Công

(Dân trí) - "Trước đây, đi tàu gỗ chỉ tốn 35.000 đồng/lượt, giờ đi ca nô du lịch mất 100.000-150.000 đồng. Vì vậy, ai có công việc bức thiết lắm mới vào đất liền", một người dân xã đảo thuộc TP Quy Nhơn cho hay.

Hơn 2 tháng sau khi cấm hoạt động các phương tiện tàu gỗ không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm, bà Thảo (60 tuổi, đã đổi tên) cùng hàng nghìn hộ dân xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) gặp khó khăn mỗi lần vào đất liền.

Theo bà Thảo, người dân trên đảo thường vào đất liền Quy Nhơn làm thủ tục giấy tờ, khám bệnh và mua sắm những vật dụng thiết yếu. Tuy nhiên, từ ngày cấm tàu gỗ hoạt động, việc đi lại gặp trở ngại và rất bất tiện.

"Trước đây, đi tàu gỗ chỉ có 35.000 đồng/lượt, giờ đi ca nô du lịch mất 100.000-150.000 đồng. Vì vậy, ai có công việc bức thiết lắm mới vào đất liền", bà Thảo cho hay.

Cấm tàu gỗ, người dân xã đảo ở Quy Nhơn gặp khó - 1

Muốn vào đất liền, người dân xã đảo Nhơn Châu phải tốn 100.000-150.000 đồng để đi ca nô, gấp 2-3 lần tàu gỗ (Ảnh: Doãn Công).

Ngoài ra, ca nô du lịch chỉ chở người, không chở hàng nên hoạt động mua bán của dân xã đảo với đất liền gần như "đứng bánh". Người dân xã đảo nuôi trồng, khai thác thủy sản khó mang cá, tôm vào đất liền để bán.

Theo bà Thảo, hiện xã Nhơn Châu hợp đồng với tàu du lịch 69 chỗ, kết hợp phục vụ khách du lịch và người dân. Mỗi chuyến đi, chủ tàu sẽ chụp ảnh căn cước công dân rồi gửi xã. Hết tháng, xã thống kê để hỗ trợ lại 50.000 đồng/lượt.

Tuy nhiên, nếu có việc gấp, phải đi ca nô du lịch không đúng chuyến được hỗ trợ với giá 150.000-200.000 đồng/lượt.

"Tháng trước, vợ chồng tôi đi tổng cộng 6 lượt hết 600.000 đồng nhưng địa phương mới chỉ hỗ trợ được 100.000 đồng. Có người được hỗ trợ, có người chưa nên người dân cũng có ý kiến", bà Thảo nói thêm.

Theo người dân ở Nhơn Châu, lo nhất là trường hợp người ốm đau phải nhập viện cấp cứu.

"Trước đây, nếu gặp tình cảnh nói trên, người dân thuê cả chuyến tàu vào Quy Nhơn giá 2 triệu đồng/chuyến, còn giờ thuê 1 chuyến ca nô du lịch mất 7-8 triệu đồng. Đó là lúc trời yên biển lặng, còn khi sóng to gió lớn, ca nô chạy không được thì tính mạng người bệnh sẽ gặp nguy", ông Nguyễn Văn Đạo cho hay.

Cấm tàu gỗ, người dân xã đảo ở Quy Nhơn gặp khó - 2

Địa phương hợp đồng với 1 ca nô du lịch 69 chỗ hỗ trợ giá 50.000 đồng/lượt cho người dân (Ảnh: Doãn Công).

Vật vờ chờ tàu từ 7h đến gần 10h, ông Nguyễn Hoàng (58 tuổi, ở Khánh Hòa đi xã đảo Nhơn Châu thăm người thân), chia sẻ: "Ngày trước, đi tàu gỗ có giờ cố định, giờ đi ca nô du lịch rất bất tiện. Giá vé tăng trong khi đời sống dân xã đảo này không giàu".

Ngoài khó khăn trong việc ra vào đất liền, các gia đình xây dựng, sửa chữa nhà cửa cũng khốn đốn.

Ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, thừa nhận việc đi ca nô du lịch cũng còn nhiều bất tiện. Trước đây, mỗi ngày có 2 chuyến tàu gỗ phục vụ bà con đi về trong ngày. Hiện ca nô xuất bến lúc 14h, đến Quy Nhơn lúc 15h, gây bất tiện cho người dân cần xử lý công việc, thậm chí phải thuê chỗ ở qua đêm, thêm tốn kém.

"Theo chỉ đạo của TP Quy Nhơn, xã đã hợp động với 1 ca nô 69 hỗ trợ người dân đi lại, thu giá vé 100.000 đồng/người. Sau đó, xã lập danh sách những người sinh sống trên đảo để hỗ trợ lại 50.000 đồng/lượt/người", ông Lệ cho hay.

Xã Nhơn Châu cũng đề nghị các chủ phương tiện tàu gỗ tiếp tục hoàn thiện đăng ký, đăng kiểm để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do số tiền quá lớn nên người dân tiếp tục chờ hướng dẫn.

"Địa phương đã báo cáo Phòng Quản lý đô thị đề xuất UBND TP Quy Nhơn kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh cùng bên đăng kiểm có hướng giải quyết để tháo gỡ về thủ tục cho người dân", ông Lệ nói.

Xã đảo Nhơn Châu cách đất liền TP Quy Nhơn (Bình Định) gần 30km. Mọi việc đi lại của gần 2.300 người dân xã đảo với đất liền TP Quy Nhơn lâu nay phụ thuộc vào 5 phương tiện tàu gỗ dân sinh, hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa Nhơn Châu - Quy Nhơn.