1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Biển người hành hương về đất Tổ

(Dân trí) - Không nằm ngoài dự đoán, càng đến ngày chính hội, lượng khách đổ về đất Tổ Phong Châu (Phú Thọ) càng đông đến mức kỷ lục. Mỗi ngày có đến 2-3 vạn khách thập phương kéo về dự ngày giỗ Tổ, phần nhiều là người dân miền Bắc và miền Trung.

Ngày hội về nguồn

 

11 giờ ngày 25/4 (tức mùng 9/3 âm lịch), khu vực xung quanh đường dẫn lên đền Thượng đã có hàng nghìn xe máy gửi trong bãi, hơn một trăm chiếc ôtô đậu kín đặc phía ngoài. Dòng người vẫn cuồn cuộn từ khắp nơi đổ về đất Phong Châu.

 

Một nhân viên bảo vệ ở đây cho biết, từ mấy hôm nay, ngày nào cũng có từ 2 đến 3 vạn khách thập phương đổ về khu di tích đền Hùng. Người người mắt cười rạng rỡ vào dâng hương tại đền Thượng, sau đó tỏa ra các hàng quán, mua và thưởng thức những món quà đất Tổ.

 

Ngay từ sáng sớm 9/3 âm lịch, đại lễ Giỗ Tổ đã bắt đầu với rất nhiều hoạt động lễ và hội hoành tráng như dâng sản vật các địa phương, thi nấu bánh chưng, giã bánh giày, trưng bày đặc sản của 8 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Tây, Tuyên Quang.

 

Đặc biệt, điểm thu hút nhất nơi cổng chính vào Đền Hùng là khu trưng bày chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 2,6 tấn của Công viên Đầm Sen tự nấu, vận chuyển từ TPHCM dâng lên các Vua Hùng.

 

Không chỉ bó hẹp tại đền Hùng, không gian lễ hội được kéo dài đến Việt Trì và vùng phụ cận với các sự kiện: Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia và công bố quy hoạch chi tiết Khu di tích khảo cổ Làng Cả; biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; trình diễn trang phục Việt Nam theo dòng lịch sử…

 

Nguyễn Thành Tú, sinh viên trường Đại học Hàng Hải (Hải Phòng), hồ hởi: “Chúng em đã lên kế hoạch về giỗ Tổ từ cách đây một tháng. Kế hoạch ban đầu chỉ có hơn 10 người nhưng đến ngày khởi hành có tới hơn 20 bạn tham gia”.

 

Một nhóm du học sinh từ Singapore về thăm đất Tổ, ngỡ ngàng trước sự hoành tráng và chuyên nghiệp của lễ hội năm nay: “Còn nhớ cách đây 2 năm, khi chúng em về đây dâng hương lên tổ tiên, cảnh lộn xộn bừa bãi còn rất phổ biến. Thậm chí không ít bạn bè đã bị móc túi mất sạch đồ đạc. Nhưng lần này thì hoàn toàn khác”.

 

Anh Pierre - một du khách Pháp lần đầu tiên đến Việt Nam - không giấu được sự bất ngờ và thú vị: “Tôi đã từng tới hàng chục quốc gia trên thế giới nhưng Việt Nam là quốc gia đầu tiên tôi biết có ngày giỗ Tổ. Du khách nước ngoài đến Việt Nam rất muốn được tham gia các hoạt động như vậy”.

 

Vẫn còn những “hạt sạn”

 

Về thăm Đền Hùng năm nay, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng các hàng viết sớ. Đồ lễ chủ yếu là hương, hoa. Năm nay những người kinh doanh đồ lễ đã khá nhạy bén khi kinh doanh thêm mặt hàng vàng bạc mã các loại, từ lá mỏng như tờ giấy tới những thỏi vàng to cỡ hai ngón tay; giá 10.000 đồng/3 thỏi. Giày vàng giá 30.000 đồng/đôi; cây vàng cao cấp hơn, giá 20-50 ngàn/cây tùy loại to nhỏ.

 

Đồ lưu niệm phổ biến nhất ở đây vẫn là những xắc tay, vòng đeo cổ, con rối… chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Vật lưu niệm hy hữu có gắn với hình ảnh đền Hùng là những quyển sách viết về khu di tích đền Hùng được bày bán tại khu vực cổng chính. Số sách này ít khách hỏi mua, nhiều cuốn đã ố vàng, mốc do bị phơi lâu ngày, nhuốm nước mưa và bụi.

 

Trải dọc con đường từ cổng ngoài vào khu vực Điện Kính Thiên, chỉ thấy thấp thoáng vài thùng rác công cộng đặt ở nơi khá khuất nẻo. Trong khi đó, rác được xả bừa bãi, tràn trên đường. La liệt những quầy hàng ăn uống ra rả bắc loa chèo kéo du khách khiến khung cảnh lễ hội nhuốm màu lộn xộn.

 

Theo thông tin của Ban quản lý khu di tích thì cả 20 điểm dịch vụ, bán hàng lưu niệm đều niêm yết giá. Trên thực tế, đồ lưu niệm vẫn được “hét” với giá khá cao. Một chủ hàng thản nhiên: “Giá cả cũng có mức chung rồi, có khách nào than phiền đâu!”.

 

Ngoài ra, điều khiến nhiều du khách không khỏi bức xúc là tình trạng cờ bạc trá hình diễn ra công khai, như trò chơi ném vòng ăn tiền. Chủ nhân của nhiều trò đỏ đen khẳng định: Đã xin phép đàng hoàng; nhưng nhất quyết không cho PV chụp ảnh!

 

Lang thang dạo quanh khu di tích, chúng tôi luôn phải cảnh giác với cánh xe ôm lao xe ầm ầm. Cánh này bất chấp lệnh cấm của chính quyền, vẫn ngang nhiên đi xuyên rừng bắt khách.

 

Dịp giỗ Tổ năm nay đã được coi là Quốc lễ, người lao động cả nước được nghỉ làm để có dịp hướng về cội nguồn dân tộc. Những “hạt sạn” nói trên không khỏi khiến khách thập phương còn mang những lấn cấn trong lòng trong chuyến hành hương về đất Tổ.

 

Phúc Hưng - Trần Đức