1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bác bỏ thông tin khủng bố gây sập trần KS Caravelle

(Dân trí) - Cơ quan điều tra đã bác bỏ thông tin có người ném bom phá hoại, khủng bố và đi đến bác bỏ thông tin vụ nổ gây sập trần KS Carvelle do con người tác động. Nguyên nhân là do khí metan (CH4) tích tụ dưới tầng hầm gặp tia lửa điện gây cháy nổ.

Thông tin được Đại tá Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết tại buổi họp thông báo kết quả công tác khám nghiệm, điều tra vụ sập trần khách sạn Carvelle tổ chức chiều nay, 8/12.

 

Vào đêm 6/12, ngay sau khi xảy ra sự cố sập trần giả tại khách sạn 5 sao Caravelle, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã phối hợp với Phân Viện khoa học hình sự (C21) Bộ Công an, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và điều tra nguyên nhân vụ nổ.

 

Nơi xảy ra vụ nổ thuộc khu vực hầm kín dưới khúc cua đường dẫn xe lên tầng 2 của khách sạn. Khám xét hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện, khu hầm kín này là nơi để chứa chất thải, dầu rửa xe, rửa rác và chứa cặn xăng dầu.

 

Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra đã lấy mẫu thử tại 40 địa điểm khác nhau trong hiện trường. Qua phân tích, các mẫu thử đều âm tính với các chất nổ truyền thống như TNT và các chất nổ dạng lỏng khác. Ngoài ra, tại hiện trường khám nghiệm, cơ quan điều tra cũng không tìm thấy bất cứ chất nổ, ngòi nổ, kíp nổ hay hố sâu nào cho thấy dấu vết của vụ ném bom.

 

Bác bỏ thông tin khủng bố gây sập trần KS Caravelle - 1
 Tham dự buổi họp chiều 8/12 có đại diện các đơn vị liên quan gồm: Viện KSND TPHCM, Sở Xây dựng TP và Ban Giám đốc khách sạn Caravelle.

 

Tại hiện trường, lực nổ đã làm sập đường dẫn xe lên tầng hầm với diện tích 30 đến 35m2. Trần thạch cao phía trên có diện tích 200m2 bị sức công phá của vụ nổ từ phía dưới lên, từ trong ra ngoài nên đã bị sập xuống. Nguyên nhân, do trần thạch cao được thiết kế theo kiểu chịu lực từ trên xuống nhưng vụ nổ lại gây lực từ dưới lên nên đã phá hủy tầng thạch cao này. Khám nghiệm hiện trường, phía cuối hầm có một miệng hố gas bật nắp, một dây kim loại âm tường bắt qua hố gas.

 

Lãnh đạo Ban giám đốc khách sạn Caravelle cũng cho biết, khu vực tầng hầm này rất ít khi có người vào vì ngạt thở, ngoại trừ những người được phân công làm nhiệm vụ và có bảo hộ. Lãnh đạo này cũng thừa nhận tầng hầm là một khoang kín, và cũng ít khi kiểm tra việc thông khí tại nơi tầng hầm này.

 

Sau khi lấy các mẫu thử đi giám định, trên các mẫu vật đều trùng phổ với khí mêtan (CH4). Từ đó, cơ quan điều tra xác định, nguồn nổ là sự tích tụ của khí.

 

Qua sự việc trên, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết sẽ kiến nghị UBND TP kiểm tra lại các tòa nhà cao tầng của TP. Vì hiện nhiều công trình cao tầng có từ 1 đến 5 tầng hầm là nơi chứa hố ga và rác thải nhưng hệ thống thông gió rất kém. Các công trình chỉ chú ý đến công tác PCCC mà chưa nghĩ đến cách phòng nổ.

 

Đại tá Phan Anh Minh còn cho biết, do đây là sự cố nằm ngoài dự đoán của con người, nên cơ quan điều tra sẽ không ra kết luận khởi tố vụ án và khuyến nghị khách sạn Caravelle phải giám định lại công trình trước khi đưa vào sử dụng.

 

Lý giải nguyên nhân vụ cháy nổ tại Khách sạn Caravelle

 

Kiến trúc thiết kế tầng hầm của khách sạn Caravelle có chứa đựng rất nhiều hố ga, rác… Từ đây, khí mêtan được chuyển hóa từ thể lỏng sang thể khí để làm chất đốt. Thế nhưng, hệ thống thông gió của tầng hầm này rất kém. Khi đó, nắp của một bình ga đã bị mở nên đã tích tụ một lượng khí mêtan rất lớn trong các hầm này.

 

Tiếp theo đó, trong hầm có rơ-le nhiệt sấy gas lỏng. Nhiều khả năng rơ-le này trong quá trình đóng mở tự động đã phát sinh ra tia lửa điện và khi gặp khí mêtan thì gây ra cháy rồi nổ. Hiện tượng này này gồm 2 giai đoạn cháy - nổ khác nhau nhưng do 2 giai đoạn này diễn ra sát nhau nên gây ra hiện tượng cháy nổ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công Quang