1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Ấp ủ giấc mơ bay của người Việt

Gặp PGS.TS Nguyễn Thiện Tống để trao đổi về xoá bỏ độc quyền biên soạn sách giáo khoa, nhưng xong việc sách vở ông lại chuyển đề tài sang lĩnh vực khoa học hàng không - không gian. Suy nghĩ của ông đều chất chứa những trăn trở, day dứt về việc phát triển lĩnh vực này.

PGS khẳng định: “Nước ta đông, dân ta thông minh nhưng lại không đào tạo được lực lượng các nhà khoa học và kỹ sư cho khoa học hàng không - không gian (KHHKKG). Đất nước có nhiều tiềm năng, giá trị nhưng dường như chưa khai thác, phát huy. Trước đây, các kỹ sư ngành hàng không được đào tạo ở Liên Xô, Trung Quốc và Đông Âu.

 

Đội ngũ này đóng góp quan trọng cho không quân và hàng không dân dụng, nhưng chủ yếu là khai thác sử dụng và bảo trì sửa chữa các loại máy bay do những nước này sản xuất. VN không có chiến lược đầu tư cho KHHKKG, nên thiếu hẳn lực lượng các nhà khoa học và kỹ sư thuộc lĩnh vực này. Đó là một lỗ hổng rất lớn bắt buộc chúng ta phải lấp cho bằng được để phát triển và hội nhập.

 

VN đang có một số trường đào tạo ngành kỹ thuật hàng không nhưng không đủ đáp ứng với nhu cầu thực tế hay sao?

 

Ngoài một đơn vị đào tạo của quân đội, hai trường Bách khoa của Hà Nội và TPHCM có ngành này, nhưng quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Điển hình như Bộ môn Kỹ thuật Hàng không của Đại học Bách Khoa TPHCM, mười năm nay chỉ đào tạo được khoảng 260 kỹ sư. Cũng nên hiểu rõ rằng kỹ sư KHHKKG không chỉ dừng lại ở việc khai thác và sửa chữa máy bay, mà là khoa học về thiết kế, chế tạo, sử dụng công nghệ thông tin để tính toán các vấn đề kỹ thuật. Có đội ngũ khoa học này, chúng ta mới tự chủ được về KHHK để phục vụ cho mục đích quân sự và phát triển kinh tế.

 

Số lượng kỹ sư thấp nhưng trình độ có tương đương với các nước không thưa ông?

 

Qua nhiều năm quản lý và trực tiếp giảng dạy bộ môn này, tôi có thể khẳng định rằng chúng ta có thể tiếp cận được với các ngành khoa học kỹ thuật hiện đại nhất. Hơn một phần ba số sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng không tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM giật được học bổng du học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

 

Nhiều người đạt loại giỏi và xuất sắc được các hãng hàng không nổi tiếng trên thế giới mời làm việc. Nhiều nước đang săn tìm kỹ sư hàng không và VN là một địa chỉ. Ví dụ như Hàn Quốc, có 12 trường đại học đào tạo ngành này, mỗi năm ra trường 600 kỹ sư nhưng họ vẫn thiếu người, nhất là thiếu kỹ sư giỏi để tiếp tục nghiên cứu. Họ có nhu cầu nên sang VN để săn đón người.

 

Hiện nay, có 13 kỹ sư là cựu sinh viên của Đại học Bách khoa TPHCM làm thạc sĩ, tiến sĩ và nghiên cứu tại Trường Đại học Konkuk ở Seoul. Hàn Quốc đang nghiên cứu sản xuất máy bay trực thăng, máy bay phản lực. Nước này có chiến lược phát triển HKKG nên họ cần chất xám, mình cần được nâng cao, hai nhu cầu đó gặp nhau. Họ sẽ hợp tác các dự án nghiên cứu với VN thông qua đội ngũ tiến sĩ sẽ tốt nghiệp này. Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, mà đây chính là cơ sở để chuyển một số công đoạn sản xuất sang VN.

 

Ngoài Hàn Quốc, những nước nào trong khu vực có chiến lược phát triển ngành này?

 

Indonesia chế tạo được máy bay trên 40 chỗ ngồi. Trong đà phát triển kinh tế mang tính toàn cầu hoá hiện nay, sản xuất máy bay luôn là sự tham gia hợp tác của nhiều nước như hãng Airbus chẳng hạn, nhiều quốc gia của cộng đồng châu Âu tham gia sản xuất. Cho nên các nước này mua Airbus là mua chính sản phẩm của họ, trong đó có lợi ích của từng quốc gia. Rồi đây, khi các nước ở khu vực Đông Nam Á hoặc Châu Á sản xuất máy bay, câu hỏi đặt ra là liệu VN có đủ sức để tham gia vào các dự án liên kết khu vực. Câu trả lời rất rõ, muốn như vậy, VN phải có nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy bay.

 

Với trình độ hiện nay, VN có đủ sức nhận làm đối tác sản xuất một vài thiết bị của máy bay như một số nước trong khu vực hay không?

 

Boeing thuê rất nhiều nước sản xuất các bộ phận, thiết bị khác nhau . Nhưng riêng VN thì chưa đủ điều kiện. Các đối tác của Boeing muốn đầu tư vào VN thì trước hết họ phải khảo sát năng lực thực tế của VN, và năng lực đó chính là con người. Boeing và các đơn vị thành viên chỉ tuyển chọn những kỹ sư đạt chất lượng quốc tế. Nếu như VN không có đội ngũ này thì sẽ còn tiếp tục mất nhiều cơ hội phát triển và hội nhập. Hiện nay, khi các nước chưa đầu tư vào VN thì đội ngũ kỹ sư của chúng ta lại được “xuất khẩu”.

 

VN chưa có viện nghiên cứu HKKG thì kỹ sư đi làm việc ở các nước sẽ có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận với KHHKKG hiện đại, Chính lực lượng này sẽ là các kỹ sư, nhà khoa học nòng cốt cho ngành HKKG tương lai của VN. Tôi luôn cố gắng liên hệ tìm kiếm học bổng cho sinh viên, viết thư giới thiệu với các trường đại học quốc tế. Tôi cũng nói với học trò mình, nếu học và ở lại làm việc, giảng dạy ở các nước đó thì cứ làm. Sau này hãy tính.

 

Ông có tin sẽ có lúc VN sản xuất máy bay?

 

Kỹ sư HKKG sử dụng đắc lực được ít nhất trong hai lĩnh vực hàng không và hàng hải. Về hàng không, trước mắt VN phải tính đến việc chế tạo máy bay không người lái để khảo sát bảo vệ rừng, bảo vệ biển đảo và biên giới, nắm bắt thông tin về thiên tai, bảo vệ môi trường biển và tìm kiếm cứu nạn.

 

Ví dụ như đối với thảm họa tràn dầu đang tấn công vùng biển VN mấy tháng nay, nếu có máy bay khảo sát ghi nhận thông tin và hình ảnh kịp thời thì sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc tìm ra nguyên nhân. Loại máy bay này có thể sản xuất được trong tầm tay. Chúng ta sản xuất từ loại vừa, sau đó nâng lên loại cao cấp. Nhưng phải bắt tay vào làm mới được.

 

Đối với lĩnh vực hàng hải, chúng ta chủ yếu đào tạo đóng tàu, không chú trọng đào tạo kỹ sư thiết kế. Về nguyên lý khoa học hàng hải cơ bản giống với KHHK nên kỹ sư hàng không có thể tham gia sản xuất tàu thuyền tốc độ cao, tàu đệm khí, tàu cánh ngầm, thuyền bay. Tôi có tham quan và được biết Indonesia đang tập trung nghiên cứu chế tạo thuyền bay.

 

Còn về hợp tác sản xuất, ông có dự đoán được khả năng này của VN?

 

Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược đào tạo của quốc gia, nếu chúng ta không coi trọng việc này thì VN luôn đứng ngoài sân chơi để làm khán giả, đành chịu chấp nhận là nước lạc hậu. Chưa tính tới chuyện tham gia các dự án khu vực, nếu chỉ đủ điều kiện để làm gia công thôi cũng có nhiều lợi ích rồi.

 

Giả thiết như chúng ta đáp ứng được về nguồn nhân lực để Boeing đầu tư sản xuất một số bộ phận tại VN, thì giải quyết được một lực lượng lao động tay nghề cao kèm theo rất nhiều lợi ích kinh tế và hợp tác về khoa học khác.

 

Theo suy nghĩ của tôi, nếu chúng ta chú trọng đào tạo ngành này thì trong tương lai gần, có thể tạm đủ người đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư sản xuất máy bay. Trong chuyến thăm Tập đoàn Boeing tại Seattle - Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, đại diện tập đoàn này có hứa với Thủ tướng Chính phủ VN là sẽ khuyến khích những nhà cung cấp thiết bị cho Boeing đầu tư vào VN. Họ sẵn sàng nhưng chúng ta chưa sẵn sàng mà thôi.

 

Chẳng lẽ chúng ta chưa có sự chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển về KHHKKG trong khi thực tế đang đòi hỏi?

 

Theo như tôi được biết, từ trước đến nay chưa có cuộc hội thảo quốc gia nào để thảo luận về định hướng đào tạo, nghiên cứu và phát triển KHHKKG. Tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, chúng tôi chưa có bất cứ một sự đầu tư nào cho công tác nghiên cứu về ngành khoa học này. Nhưng tôi cũng xin nói thật lòng nhé, nhận kinh phí của Nhà nước để nghiên cứu khoa học rất mệt mỏi.

 

Tôi tự liên hệ với các trường đại học trên thế giới để tìm học bổng cho các em đi học và nghiên cứu là nhanh chóng và hiệu quả nhất. Bộ môn Kỹ thuật hàng không của Trường Đại học Bách khoa TPHCM có tỉ lệ sinh viên đi nhận được học bổng du học và tỉ lệ tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài rất cao. Có khoá tốt nghiệp 27 kỹ sư nhưng được học bổng học thạc sĩ và tiến sĩ 16 người. Được như vậy là do các em học giỏi, và một phần là do sự hợp tác tốt với các trường ở nước ngoài.

 

Là một nhà khoa học, có nhiều năm nghiên cứu giảng dạy về chuyên ngành này, ông có đề xuất gì với Chính phủ về chiến lược phát triển KHHKKG của VN?

 

Phải đầu tư phát triển đào tạo ngành này. Thành lập được các khoa hàng không - hàng hải ở các trường đại học đủ điều kiện, chương trình đào tạo và chất lượng đào tạo đạt đẳng cấp quốc tế. Từ đó chúng ta có được một lực lượng chế tạo máy bay, tàu thủy phục vụ cho cả dân sự, an ninh quốc phòng.

 

Đây là một lĩnh vực rất khó nên cần phải hợp tác, dần dần sẽ đủ sức để độc lập, tự chủ trong lĩnh vực này. Chúng ta có thể thành lập trung tâm nghiên cứu thiết kế về HKKG, quy tụ các nhà khoa học, kỹ sư giỏi để nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Cũng xin lưu ý thêm rằng, chúng ta có một đội ngũ giáo sư gốc Việt đang giảng dạy và nghiên cứu về KHHKKG ở Pháp, Đức, Mỹ, Canada, Bỉ, Úc; nếu chúng ta có chiến lược phát triển ngành khoa học này, có chủ trương tập hợp thì sẽ có nhiều người sẵn sàng đóng góp vì đất nước.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động