4.418 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam trong năm 2018

(Dân trí) - “Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 4.472 hồ sơ về quốc tịch, gồm 4.418 hồ sơ xin thôi, 45 hồ sơ xin nhập, 9 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.673 trường hợp theo đề nghị của các cơ quan”.

Trao quyết định cho những người nhập quốc tịch Việt Nam (Ảnh minh hoạ).
Trao quyết định cho những người nhập quốc tịch Việt Nam (Ảnh minh hoạ).

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019 đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 đang được gấp rút thực hiện.

Đặc biệt, triển khai đề án thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Ủy ban biên giới quốc gia và các địa phương liên quan giải quyết giấy tờ pháp lý cho 281 người di cư tự do Lào hiện cư trú tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; làm thủ tục trình Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với những người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong danh sách được phê duyệt (tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).

Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt tiểu Đề án “Giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về nước”.

“Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 4.472 hồ sơ về quốc tịch, gồm 4.418 hồ sơ xin thôi, 45 hồ sơ xin nhập, 9 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.673 trường hợp theo đề nghị của các cơ quan”- Bộ này cho hay.

Về công tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai Chỉ thị số 03/2018 về tăng cường công tác nuôi con nuôi trong tình hình mới. Công tác phối hợp giữa bộ, ngành Tư pháp với bộ, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước và giải quyết việc nuôi con nuôi có bước phát triển quan trọng, góp phần giải quyết “điểm nghẽn” trong công tác này.

Quản lý nhà nước về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã mạnh dạn trong việc chỉ định cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập được giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài (TPHCM, Bình Dương, Khánh Hòa, Bình Thuận).

Trong năm, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 2.839 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (tương đương năm 2017); 424 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (giảm 86 trường hợp so với năm 2017).

Tại các địa phương, đã cấp được trên 539.000 phiếu lý lịch tư pháp (tăng gần 19% so với năm 2017). Bộ Tư pháp đã cấp trên 5.000 phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam không có nơi thường trú, tạm trú (tăng hơn 5 lần so với năm 2017); tra cứu, xác minh trên 114.300 trường hợp cho các Sở Tư pháp cấp Phiếu.

Thế Kha